Thứ 6, 22/11/2024, 15:00 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Phụ thuộc thị trường Trung Quốc thanh long Việt bấp bênh

Phụ thuộc thị trường Trung Quốc thanh long Việt bấp bênh
(Tieudung.vn) - Doanh nghiệp bị động khi xuất thanh long sang Trung Quốc gây ứ đọng tại các cửa khẩu thiệt hại lớn.

Thanh long được xác định là cây trồng chủ lực của Bình Thuận và một số tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Long An… Tuy nhiên, do việc mở rộng diện tích thanh long quá nhanh, chưa căn cơ khiến nông dân chuyên canh thanh long ở Bình Thuận lắm phen “dở khóc dở mếu” do đầu ra không ổn định, nhiều lúc tồn ứ với số lượng lớn.

Mới đây, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ thanh long nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ để từng bước đưa cây thanh long trở thành 1 trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trên thế giới.

Mô tả ảnh
Đầu ra trái thanh long thường xuyên bấp bênh vì thị trường tiêu thụ không ổn định

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 37.000 ha thanh long, đạt sản lượng trên dưới 630.000 tấn/năm. Riêng tỉnh Bình Thuận, “thủ phủ” của cây thanh long, có diện tích đến 26.500 ha, sản lượng trung bình hơn 500.000 tấn/năm.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, hiện trái thanh long được tiêu thụ trong thị trường nội địa chỉ chiếm 15%-20% tổng sản lượng, xuất khẩu chính ngạch rất thấp (2%-3%), còn lại được xuất khẩu theo hình thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Thực trạng này khiến việc tiêu thụ trái thanh long trong thời gian qua còn nhiều rủi ro, bấp bênh.

Ông Đỗ Minh Kính, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho rằng diện tích và sản lượng thanh long của Việt Nam ngày càng tăng nhưng thị trường tiêu thụ chính ngạch lại quá hẹp, lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nên thiếu bền vững. “Vào mùa thanh long chính vụ, sản lượng thu hoạch quá lớn, trong khi doanh nghiệp bị động khi xuất sang Trung Quốc nên đã xảy ra tình trạng ứ đọng tại các cửa khẩu, gây thiệt hại lớn” - ông Kính dẫn chứng.

Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh thanh long phản ánh tình trạng thương lái Trung Quốc núp bóng các cơ sở kinh doanh nội địa để cạnh tranh không lành mạnh khiến việc tiêu thụ loại trái cây này vốn đã bấp bênh lại càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương 2 tỉnh Tiền Giang và Long An nhìn nhận thị trường tiêu thụ thanh long nội địa đang bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức. Bằng chứng là khâu kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ, mạnh ai nấy làm. Thậm chí, dù ngành chức năng các địa phương ra sức khuyến khích nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu nhưng do giá bán không cao hơn bao nhiêu nên người trồng ít quan tâm.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng để tăng giá trị trái thanh long, điều kiện tiên quyết là các địa phương cần tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến, tiêu thụ. “Để không lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương phải triển khai nhiều biện pháp hơn nữa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long trong nước” - bà Thoa đề nghị.

Cần sớm có quy hoạch

Hiện các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đã đề xuất Bộ NN-PTNT sớm có quy hoạch tổng thể vùng trồng thanh long ở Việt Nam và ban hành quy chuẩn cụ thể việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời hỗ trợ người trồng áp dụng quy trình sản xuất sạch để các địa phương thắt chặt khâu quản lý, nâng cao chất lượng trái thanh long.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.54889 sec| 784.961 kb