Sơ chế thanh long xuất khẩu tại HTX Tầm Vu (Long An) |
Buổi lễ ký kết hợp tác tiêu thụ thanh long giữa các doanh nghiệp trong nước với 19 doanh nghiệp các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) vừa diễn ra sáng 23.11 tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được mời đến tham dự chương trình xúc tiến tiêu thụ thanh long do Bộ Công thương, Bộ NNPTNT tổ chức. Tham dự còn có đại diện 20 tỉnh, thành có trồng thanh long trên cả nước.
Việc ký kết hợp tác tiêu thụ giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm mục đích hạn chế những hành vi cạnh tranh “bẩn”, ép giá, loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn chụp giật.
Ông Lương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long hiện được trồng tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với tổng diện tích khoảng 37.000 ha. Trong đó Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất với 27.000 ha. Trái thanh long Bình Thuận đã có mặt trong hầu hết trên các thị trường trên cả nước, và được xuất khẩu qua các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện, thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi. Có đến hơn 80% sản lượng thanh long dành cho xuất khẩu, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch, các doanh nghiệp, thương lái tự tìm đến nhà vườn để thu mua thanh long, dẫn tới tình trạng ép giá, tung giá ảo… gây khó khăn cho bà con và các doanh nghiệp trong nước. Nhiều trường hợp thương lái Trung Quốc lợi dụng visa du lịch để vào tận vườn, hoạt động mua bán “chui”, làm rối loạn thị trường…
Đánh giá về tình hình sản xuất thanh long trong nước, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, do hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên diện tích thanh long ngày càng mở rộng. Người trồng thanh long đang đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo quy trình VietGAP và tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng thanh long.
Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp này vẫn còn bấp bênh. Đặc biệt, phát triển “nóng” trong một thời gian ngắn đã khiến sản lượng thanh long tăng mạnh, dẫn tới việc bị “dội chợ”. Việc phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến giá cả không ổn định. Do đó, bà Thoa khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú ý và quan tâm tới xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tại Bình Thuận, năm 2015, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu hơn 12.600 tấn thanh long chính ngạch vào 14 thị trường, đạt giá trị 8 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2016, số lượng thanh long do các doanh nghiệp địa phương này xuất khẩu chính ngạch đạt hơn 4.400 tấn, kim ngạch 3,4 triệu USD.