Lễ công bố trái đây Việt Nam xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA.
Chiều ngày 17/9, tại tỉnh Bến Tre, dưới sự chứng kiến của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cùng lãnh đạo một số đại phương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre và Công ty VINA T&T tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu (EU) theo Hiệp định EVFTA.
Theo đó lô hàng gồm container 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Công ty Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, việc giảm thuế theo EVFTA đang giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu, hứa hẹn trái cây Việt Nam sẽ có thị phần lớn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng cao trở lại.
Dự kiến trước mắt mỗi tuần Công ty Vina T&T xuất khẩu khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU, sau đó sẽ tăng dần. Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, trước khi có EVFTA, tại EU trái cây Việt Nam có giá khá cao so với trái cây các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…, vì vậy mà khó cạnh tranh. Với Hiệp định EVFTA, nhờ thuế giảm nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam hơn.
Đón đầu cơ hội xuất khẩu trái cây sang EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Công ty Vina T&T đã đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây. Hiện tại, công ty đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn GlobalGAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP, phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU.
Công nhân Công ty Vina T&T chế biến dừa tại nhà máy ở Bến Tre
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, dư địa xuất khẩu trái cây sang EU của Việt Nam rất lớn do sản phẩm trái cây 2 bên có tính bổ trợ nên không phải cạnh tranh trực tiếp. EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu cặn kẽ để đáp ứng tốt. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1-6 năm), cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi..v.v..). Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...)
Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD Trong đó, các mặt hàng cụ thể như: bưởi đạt 475,5 nghìn USD giảm 60,2%; dừa đạt 3,73 triệu USD giảm 1,1%; thanh long đạt 4,4 triệu giảm 15,5% so với cùng kỳ 2019. (Do tác động của dịch Covid-19).
Xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ khôi phục tăng trưởng do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.