Cốc Cốc từng được mệnh danh là Google thứ hai tại Việt Nam. Nhưng, thời gian gần đây công cụ này ngày càng lặng bóng, dữ liệu mới nhất còn cho thấy mức thua lỗ nặng nề, vốn chủ âm nhiều năm liền.
Cốc Cốc những năm gần đây liên tục báo lỗ.
Thị phần của Cốc Cốc tại Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2017. Đây cũng là thời điểm mà Cốc Cốc báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng với khoản lãi 16,2 tỉ đồng. Các năm còn lại, Cốc Cốc đều thua lỗ.
Kết quả kinh doanh không thuận lợi trong thời gian qua đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng các con số cho thấy doanh thu công ty đã gần như không tăng trưởng trong kể từ năm 2017.
Bước sang năm 2018, nguồn thu chững lại, lợi nhuận giảm sút đáng kể. Tính đến cuối năm 2019, Cốc Cốc chỉ đạt 98 tỷ lãi gộp - giảm 18% so với năm 2018, hiệu suất cũng đi lùi với mức biên chỉ còn 47%.
Liên tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu của Cốc Cốc đang âm 62 tỷ, tổng tài sản cũng giảm 13% xuống còn 95 tỷ đồng. Vốn điều lệ đi ngang tại mức 364 tỷ. Thực tế này đi ngược hoàn toàn với mục tiêu Cốc Cốc đã tuyên bố: doanh thu tăng ít nhất 8 lần trong 10 năm tiếp! Không chỉ vậy, những người sáng lập cũng từng được đồn đoán lần lượt rời bỏ dự án lớn của mình.
Theo cổng thông tin đăng kí doanh nghiệp quốc gia, đại diện pháp luật của Cốc Cốc là bà Đỗ Thanh Vân Hương, với chức vụ giám đốc. Tuy nhiên, bà Hương không trực tiếp nắm giữ cổ phần của Cốc Cốc.
Thay vào đó, một công ty nước ngoài với tên gọi Coc Coc Pte (Singapore) đã nắm 99,75 cổ phần kể từ cuối năm 2015. 0,25% còn lại thuộc sở hữu của Công ty TNHH Công nghệ và quảng cáo trực tuyến BNT.
Ngoài việc là người đại diện pháp luật của Cốc Cốc, bà Đỗ Thanh Vân Hương còn nắm cổ phần của công ty quảng cáo CityAds Media và Công ty CP xây dựng và thương mại Thành Tiến.