63 công trình lấn hành lang sông
Tính đến tháng 8/2019, trên sông Sài Gòn và hệ thống sông kênh rạch nội thành thuộc quyền quản lý của Trung tâm quản lý đường thuỷ (Sở Giao thông Vận tải) vẫn còn tồn đọng 63 trường hợp lấn chiếm sông kênh rạch chưa được xử lý. Có 2 trường hợp phát sinh trong năm 2019, một trường hợp được địa phương cấp phép xây dựng. Với kiểu quản lý dễ dãi, thậm chí là buông lỏng như hiện nay sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Theo quy định hiện hành, hàng lang bảo vệ sông Sài Gòn là 50m tính từ mép bờ cao. Trong thời gian qua, một số công trình của doanh nghiệp xây dựng trên hành lang bảo vệ sông bị buộc tháo dỡ, trong khi đó cũng có cùng vi pham nhưng một số công trình lại không bị tháo dỡ, thậm chí được cấp phép. Cách quản lý tùy hứng sẽ tạo ra những hệ luỵ khôn lường, ảnh hưởng đến dòng chảy, cảnh quan ven hệ thống sông trên địa bàn
Rất nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn |
Theo các quy định hiện hành, hành lang bảo vệ sông, kênh rạch là từ 20 đến 50m tính từ mép bờ cao. Chẳng hạn đối với sông Sài Gòn là tuyến đường thủy nội địa, hàng lang bảo vệ sông là 50m. Bất cứ hoạt động xây dựng nào diễn ra trong hành lang bảo vệ sông đều là hành vi phạm pháp, buộc phải khắc phục, khôi phục hiện trạng.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Quản lý đường thuỷ, tính đến đầu tháng 8/2019 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn đọng 63 trường hợp lấn chiếm hệ thống sông, kênh rạch chưa được xử lý. Trong đó có 1 trường hợp phát sinh trong năm 2019. Về tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, đứng đầu là huyện Bình Chánh có 17 trường hợp; quận 9 đứng hàng thứ 2 với 15 trường hợp; quận Bình Thạnh và quận 7 cùng có 7 trường hợp; quận 2 có 6 trường hợp...
Cũng theo Trung tâm Quản lý đường thủy, trong năm 2019, tính đến đầu tháng 8, chỉ có 3 trường hợp doanh nghiệp xây dựng xâm phạm hành lang bảo vệ sông kênh rạch đã tự khắc phục, khôi phục lại hiện trạng.
Cụ thể: Công ty TNHH Hải Vương, phường Thảo Điền, quận 2, xây dựng nhà xưởng có kích thước 15mx15m, cách mép bờ sông Sài Gòn 3m; Công ty TNHH Bảo Tiến, phường Thảo Điền, quận 2 xây dựng trong hành lang bảo vệ sông một công trình nhà ở bằng gỗ 127 và một nhà bằng bê tông dài 28m. Trên kênh An Hạ, Công ty Than bùn Kiến Thành, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đóng cọc bê tông dọc bờ 20m, cách bờ 1,5m.
Trong số 63 trường hợp còn tồn đọng chưa thể xử lý có rất nhiều công trình xây dựng lớn dọc theo bờ sông Sài Gòn trên địa bàn quận 2, quận Bình Thạnh, lân cận khu trung tâm thành phố. Đáng nói, những trường hợp xâm phạm hành lang bảo vệ sông này đã tồn tại rất lâu mà vẫn chưa được xử lý theo quy định.
Cần xử lý việc lấn chiếm trái phép
Về vấn đề các dự án đang “băm nát” bờ sông Sài Gòn như trên, tại hội thảo chiều 10-9, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, cho biết: Hiện nay tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân, xây dựng bến neo đậu canô, tàu bè, kinh doanh nhà hàng, quán ăn,… còn phổ biến. Nhất là những khu vực có mật độ đô thị hóa cao nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Theo ông Nhã, các quận, huyện cần phải tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát, xử lý những trường hợp lấn sông trái phép. Đồng thời, phải cương quyết không để xảy ra những trường hợp lấn chiếm trái phép trong thời gian tới. Đối với việc lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các cơ quan, ban, ngành cần có ý kiến để xử lý triệt để.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định: Những dự án lấn chiếm trái phép kênh rạch cần bị xử lý theo quy định pháp luật. Còn đối với những dự án do lịch sử để lại, trước đây đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải có giải pháp chấp nhận sự tồn tại đó. Tuy nhiên, về mặt định hướng lâu dài, chúng ta phải có những giải pháp như thương lượng với chủ đầu tư để có những điều chỉnh thích hợp.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá: Hệ thống sông ngòi, kênh rạch có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP. Tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều thách thức như hệ thống quản lý chưa đồng bộ khiến các bờ sông đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án cao tầng, sự biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa gây nên tình trạng sạt lở, sụt lún;… Do đó, cần đặt ra các giải pháp ứng phó và phát huy tiềm năng của phần không gian dọc các sông, rạch.