Bài 1: Dự án BT ngàn tỷ được giao không đấu thầu, đấu giá
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay có hàng chục dự án BT đang được triển khai, xúc tiến… những dự án này có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, chính quyền thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Có một điểm chung, đây là các dự án được giao cho nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá.
4 khu đất “vàng” đổi một con đường 2,7km
Một trong những khu đất thuộc vào loại đẹp nhất trên địa bàn quận 10, TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa biến thành cao ốc văn phòng hoặc chung cư thì không có khu nào đẹp hơn khu đất số 32 Đào Duy Từ. Khu đất 32 Đào Duy Từ là lô đất có 2 mặt tiền, mặt còn lại là đường Ngô quyền, diện tích gần 11.000m2.
Nếu nói là đất “vàng” thì cũng chưa thể diễn tả hết yếu tố đắc địa của khu đất này. Khu đất toạ lạc trong một khu vực sầm uất bậc nhất của TP Hồ Chí Minh, xung quanh có đầy đủ hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cách sân vận động Thống Nhất vài bước chân, xung quanh là các bệnh viện lớn, các trung tâm mua sắm, các chung cư sang trọng…
Khu đất này vốn được giao cho Công ty Quản lý công trình cầu phà (thuộc Sở Giao thông Vận tải) sử dụng cho đến khi “lọt” vào tay một nhà đầu tư là Văn Phú Investment. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu chỉ trong thời gian ngắn, trên khu đất này mọc lên một công trình chung cư, với giá bán lên đến trên 50 triệu đồng/m2.
TP Hồ Chí Minh đã dùng 4 khu đất vàng để đổi 2,7km đường nối đường Phạm Văn Đồng và nút giao thông Gò Dưa. |
Theo thông tin mà chúng tôi có được, TP Hồ Chí Minh sử dụng khu đất 32 Đào Duy Từ để thanh toán một phần cho nhà đầu tư là Văn Phú Investment, đổi lại thành phố có một con đường chiều dài 2,7km.
Dự án mà Văn Phú Investment đầu tư theo hình thức BT có tên là đường kết nối Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1, trên địa bàn quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Văn Phú chỉ là một bên trong liên danh để thực hiện dự án này, ngoài ra còn có Cty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam và Cty Tư vấn đầu tư xây dựng Bác Ái.
Dự án tuyến đường kết nối đường Phạm Văn Đồng – Nút giao thông Gò Dưa có tổng chiều dài gần 2,7 km, mặt đường rộng 67m cho 14 làn xe lưu thông. Theo dự toán, dự án có tổng vốn đầu tư là 2.565 tỷ đồng bao gồm cả tiền đền bù giải toả và chi phí xây dựng.
Để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện tuyến đường nối đường Phạm Văn Đồng và nút giao thông Gò Dưa, ngoài khu đất 32 Đào Duy Từ, thành phố còn phải trả thêm một số khu đất khác. Cụ thể là lô đất có địa chỉ 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh (gần chợ Bà Chiểu), đây là một trong những khu phát triển mạnh nhất của cả khu vực, sầm uất bậc nhất trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, lô đất 129 Đinh Tiên Hoàng có diện tích lên đến 7.200m2, thuộc vào loại “hàng hiếm” trên thị trường bất động sản hiện nay, giá thị trường không dưới 1.000 tỷ đồng. Chưa hết, Văn Phú còn được thanh toán thêm 2 lô đất diện tích 11.463m2 ở quận Bình Tân và một lô đất có diện tích hơn 600m2 mặt tiền đường Lý Tự Trọng quận 1.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, 4 khu đất kể trên có giá trị lớn hơn rất nhiều, thậm chí lớn hơn nhiều lần so với số vốn 2.565 tỷ đồng mà Văn Phú Investment đầu tư cho tuyến đường 2,7km.
Đất vàng Thủ Thiêm có giá chưa đến 30 triệu/m2
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một trong những khu vực có giá bất động sản cao nhất trên địa bàn thành phố hiện nay, mặt bằng giá bán bất động sản của các dự án biến động liên tục. Giá mỗi mét vuông đất ở trên mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch lên đến 350 triệu đồng; giá bán căn hộ trong các dự án thấp nhất cũng 70 triệu đồng/m2.
Tham gia đầu tư hạ tầng để nhận thanh toán bằng quỹ đất ở Thủ Thiêm còn có Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII).
Dãy nhà CII đã xây dựng trên khu đất TP Hồ Chí Minh dùng để thanh toán cho dự án BT. |
Năm 2016, UBND thành phố đã có quyết định giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) 90.078,3 m2 (làm tròn số là 9ha) đất sử dụng ổn định lâu dài, để xây dựng nhà ở và 6.053,6 m2 (0,6ha) đất sử dụng 50 năm để xây dựng văn phòng cho thuê tại khu chức năng số 3 và số 4 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là quỹ đất TP Hồ Chí Minh dùng để thanh toán cho CII khi CII tham gia đầu tư hạ tầng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, CII sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu đô thị mới Thủ Thiêm) và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được thực hiện theo phương thức BT. Tổng vốn đầu tư dự án BT này dự kiến khoảng 2.641 tỷ đồng. Trên thực tế, CII đã khởi công xây dựng hạ tầng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ giữa năm 2015.
Năm 2017, CII đã dùng 2 khu đất mà thành phố thanh toán cho dự án BT liên danh với một đối tác của Hồng Kông để triển khai các dự án bất động sản. Trên thực tế, đến nay CII đã sử dụng quỹ đất mà thành phố giao để xây dựng một số dự án nhà ở.
Theo tính toán, với gần 10 ha đất sạch ngay trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà thành phố dùng để thanh toán cho dự án BT trị giá chưa đến 3.000 tỷ đồng của CII, tính ra mỗi mét vuông đất vàng được định giá để thanh toán chưa đến 30 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/10 giá thị trường hiện nay.
Giá mỗi mét vuông đất sạch mà thành phố thanh toán cho CII chưa bằng 2 lần so với giá mà thành phố áp để đền bù đất ở cho người dân có đất bị thu hồi cách đây hơn 10 năm.
Ai cũng thấy được những bất hợp lý, thậm chí là phi lý khi định giá quỹ đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT. Một điểm bất thường nữa là các dự án BT có giá trị hàng ngàn tỷ đồng nhưng trên thực tế hầu như được giao với phương thức chỉ định thầu cho nhà đầu tư mà không phải thông qua đấu thầu rộng rãi để tìm kiếm các nhà đầu tư đưa ra phương án tốt nhất, có lợi nhất cho ngân sách.
Ngược lại, quỹ đất được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư cũng không được đưa ra đấu giá để chọn người mua quyền sử dụng dụng trả giá cao nhất. Theo các chuyên gia, việc thất thoát tài sản công qua con đường dùng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là có thật.
(Còn nữa)