Vấn đề đặt ra, cả 3 khu đất kể trên đều là đất vàng với diện tích trên ba chục ngàn m2 mà chỉ đổi được một công trình xây dựng có giá trị chưa đến 2.000 tỷ đồng? Vì sao thành phố không mang 3 khu đất ra đấu giá, đồng thời đưa công trình Trung tâm thể dục thể thao (TDTT) Phan Đình Phùng ra đấu thầu để có kết quả tốt hơn?
Theo một thành viên Tổ liên ngành tham gia đàm phán để tiến hành hợp đồng BT thì Khu "đất vàng" số 257 đường Trần Hưng Đạo (quận 1) có diện tích 2.350m2 được định giá khoảng 350 tỷ đồng để hoán đổi cho nhà đầu tư. |
3 khu đất vàng đổi lấy một nhà thi đấu
Theo một thành viên tham gia quá trình chuẩn bị đầu tư cho dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, ban đầu thành phố dự định tách dự án này thành 2 dự án độc lập (là dự án xây dựng thô và dự án lắp đặt thiết bị hoàn thiện) nhằm kéo tổng mức đầu tư xuống dưới 1.000 tỷ đồng mỗi dự án để thuộc thẩm quyền quyết định của thành phố, để đẩy nhanh tiến độ. Nếu dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng phải xin phép Chính phủ như vậy sẽ kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do ý định này không thể thực hiện. Vì vậy, dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, ban đầu có vốn đầu tư là 988 tỷ đồng (phần thô) cộng phần hoàn thiện lắp đặt thiết bị đã đội vốn lên thành 1.954 tỉ đồng.
Đầu tháng 7/2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thêm 3ha đất tại trường đua Phú Thọ (quận 11, TP Hồ Chí Minh) để thanh toán cho Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt - nhà đầu tư dự án Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng.
Nguyên nhân là bởi so với khái toán ban đầu, chi phí xây dựng dự án nói trên đã đội vốn lên gấp đôi.
Cụ thể, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận dự án xây Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (số 8 Võ Văn Tần, quận 3), tổng mức đầu tư khái toán thời điểm đó là vào khoảng 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, UBND TP Hồ Chí Minh chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.353 tỷ đồng. Để thanh toán cho nhà đầu tư, Thủ tướng cũng đồng ý bán chỉ định cơ sở nhà đất số 257 đường Trần Hưng Đạo (góc 2 mặt tiền Trần Hưng Đạo – Nguyễn Khắc Nhu, quận 1) cho Công ty Phát Đạt. Tuy nhiên, do giá trị khu đất số 257 đường Trần Hưng Đạo không đủ để thanh toán nên năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã bán thêm khu đất số 3 - 3bis Phan Văn Đạt (quận 1). Đến năm 2016, số vốn đầu tư cho dự án đã đội lên 1.954 tỉ đồng. Để thanh toán hợp đồng BT, bù đắp số tiền thiếu hụt, TP quyết định bổ sung thêm khu đất 3ha tại Khu Trường đua Phú Thọ (quận 11) để đền bù cho nhà đầu tư.
Khu "đất vàng" này tọa lạc bởi 2 mặt tiền đường Trần Hưng đạo và Nguyễn Khắc Nhu. |
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc thanh toán quỹ đất cho dự án BT này thực hiện theo đúng quy định và việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch của thành phố. Để thực hiện dự án và đảm bảo cơ sở để ký hợp đồng BT, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho lấy các cơ sở nhà đất để bán cho chủ đầu tư làm dự án trung tâm thể thao này.
Quy trình có minh bạch?
Một trong 3 khu đất mà thành phố có ý định dùng để thanh toán cho nhà đầu tư (Liên danh giữa Tổng Công ty đền bù giải toả và Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt) là khu đất 257 Trần Hưng Đạo. Trên giấy tờ, khu đất có địa chỉ là 257 Trần Hưng Đạo, quận 1 nhưng trên thực tế đây là khu đất có 2 mặt tiền, một mặt tiếp giáp đường Trần Hưng Đạo, một mặt tiếp giáp đường Nguyễn Khắc Nhu, có tổng diện tích 2.350m2. Theo giới mua bán bất động sản, nhiều căn nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo thuộc địa phận quận 1 hiện đang giao dịch với mức giá lên đến 600 – 700 triệu đồng/m2.
Khu đất thứ 2 mà thành phố có ý định sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư là 3 -3bis Phan Văn Đạt (diện tích 902 m2), nằm ngay trung tâm sầm uất bậc nhất của quận 1 mà giới mua bán bất động sản cho rằng giá trị hiện nay lên tới cả tỷ đồng/m2.
902 m2 đất tại số 3 - 3 bis Phan Văn Đạt tọa lạc tại khu vực sầm uất bậc nhất ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. |
Ngoài 2 khu đất này, thành phố còn đề xuất lấy thêm 3 ha đất tại Trung tâm thể thao Phú Thọ (quận 11) để thanh toán cho nhà đầu tư. Khu đất thuộc Trung tâm thể thao Phú Thọ cũng được coi là “đất vàng” ở TP Hồ Chí Minh.
Rất nhiều vấn đề được dư luận đặt ra, dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng có tổng vốn đầu tư chưa đến 2.000 tỷ đồng mà thành phố sẽ sử dụng quỹ đất công rất lớn và có giá trị để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đánh giá, 3 khu đất này có giá trị lớn hơn rất nhiều so với số vốn nhà đầu tư bỏ ra.
Một vấn đề khác được dư luận đặt ra, vì sao thành phố không đem 3 khu đất này đưa ra đấu giá để lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng quy định của Luật Đấu thầu thay cho việc định giá của cơ quan chức năng thành phố để làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư.
Một vấn đề khác, vì sao Liên danh giữa Tổng Công ty đền bù giải tỏa và Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt lại được giao dự án BT xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng? Tại sao thành phố không đưa dự án này ra đấu thầu để chọn được nhà đầu tư tốt nhất…?
Hàng loạt vấn đề được dư luận đặt ra, thiết nghĩ đã đến lúc thành phố cần phải xem xét lại một cách toàn diện dự án BT xây dựng Trung tâm TDTT thao Phan Đình Phùng.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này.