Chiều 26/6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên đã trả lời thẳng thắn các vấn đề dư luận quan tâm về việc thực hiện đầu tư xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT trên địa bàn TP.
|
Tuyến đường Trần Hữu Dực kéo dài tại quận Nam Từ Liêm được đầu tư theo hình thức BT. Ảnh: Phạm Hùng |
Ông Phạm Quý Tiên cho hay, trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước có khó khăn, đầu tư công hạn chế và cắt giảm; các nguồn vốn ODA khó khăn và hạn hẹp, trong khi đó, việc việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặt biệt là các công trình giao thông, hạ tầng là yêu cầu bức thiết của TP.
Từ thực tế trên, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế; Thành ủy, HĐND và UBND TP đã quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Qua đó, đã phát huy nguồn lực từ đất đai, tập dụng năng lực quản lý của các nhà đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh từ dự án BT và các dự án đối ứng.
Từ năm 2013 trở về trước, UBND TP đã cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 63 dự án theo hình thức BT tập trung vào các lĩnh vực giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, chống ô nhiễm môi trường. Tình hình, kết quả thực hiện các dự án, UBND TP đã cung cấp trong báo cáo chung.
Từ năm 2015, căn cứ Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm, bức xúc theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, rà soát, khắc phục tồn tại một số dự án.
Tiếp thu kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 12/3/2018 chỉ đạo xử lý khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai trước đây; đối với các dự án đang triển khai thực hiện các thủ tục, TP chỉ đạo 9 nguyên tắc triển khai thực hiện các dự án trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 17/6/2018 vừa qua, UBND TP đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 Dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT.
Đây là các dự án được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, Nhà đầu tư đã bố trí vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã được UBND TP báo cáo các Bộ, ngành Trung ương xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép TP chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Tuy nhiên, vừa qua, một số báo chí, trang mạng điện tử có thông tin liên quan đến dự án BT và quỹ đất thanh toán cho dự án chưa chính xác (như: Dự án Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 dài 1,6km đối ứng 60ha đất; dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ 6 giá trị công trình BT hơn 8.000 tỷ, TP giao đất đối ứng hơn 400ha đất, giá mỗi mét vuông 2 triệu đồng) dẫn đến sự hiểu chưa chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dư án. Do đó, UBND TP Hà Nội sẽ cung cấp thông tin liên quan đến 5 dự án đang trong quá trình triển khai để các cơ quan báo chí thông tin cho công luận.
Về trình tự triển khai thực hiện: TP đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục quy định tại Nghi định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gồm 6 bước theo quy định. Nội dung các bước cụ thể Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ cung cấp thông tin nếu có yêu cầu.
Khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đảm báo công khai, minh bạch; UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành xác định các tiêu chí đối với các Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, năng lực quản trị dự án, đã ứng vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; phải cam kết bố trí vốn để xây dựng công trình BT trước khi được TP giao đất đối ứng với lãi xuất thấp nhất và thời gian thi công công trình ngắn nhất.
Các dự án BT nêu trên đều là các công trình xây dựng đường giao thông, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình BT (thấp nhất là 42%, có dự án cao tới 80%, chi phí xây lắp chỉ là 20%); chi phí xây lắp đảm bảo đúng định mức, đơn giá Nhà nước quy định, chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, nếu chỉ nêu thông tin về độ dài của tuyến đường để so sánh sẽ không phản ánh được khách quan chi phí đầu tư của dự án BT.
Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai) theo hình thức BT được UBND TP phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 7/6/2018; Dự án này sẽ được TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ, chưa giao dự án cho Nhà đầu tư như báo nêu.
Đối với các dự án BT, Nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng HTKT theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho TP để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.
Nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng 100% vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500 thực hiện GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đối ứng và chi phí đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất theo quy định. Nhà đầu tư chỉ được khai thác sử dụng đối với diện tích đất thương phẩm (đất xây dựng nhà ở, thương mại, dịch vụ có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) chiếm khoảng 26% trên tổng diện tích khu đất để tính giá trị thanh toán, giao cho Nhà đầu tư hoàn vốn cho công trình BT, còn lại là đất làm đường giao thông, cây xanh, hồ nước, công trình xã hội (trường học, nhà văn hóa...) không phải là đối tượng để tính tiền sử dụng đất.
Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND TP mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT. Giá đất thanh toán sẽ được Liên ngành TP xác định theo sát giá thị trường theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, trên cơ sở đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đảm bảo nguyên tắc so sánh giá trên thị trường (giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và giá đất theo bảng giá nhân với hệ số điều chỉnh tối đa) và trừ đi phần kinh phí Nhà đầu tư đã ứng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng HTKT; diện tích đất giao và giá trị đất thanh toán cho Nhà đầu tư tương đương với giá trị công trình BT theo đúng nguyên tắc, quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 12/3/2018 của UBND TP.
Sau khi thanh toán tương đương giá trị công trình BT, diện tích đất còn thừa (nếu có), TP sẽ thu hồi lại, thực hiện quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ.
Về việc kiểm toán, thanh quyết toán, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo việc thanh toán, quyết toán công trình BT (bao gồm cả các dự án đối ứng) chỉ hoàn thành sau khi có kết quả kiểm toán các dự án theo quy định của pháp luật.