Huyết áp
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch. Huyết áp được tạo ra bởi lực co bóp của tim và sức cản của thành mạch máu. Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim,...
Vào mùa lạnh, cơ thể chúng ta sẽ co lại để giữ ấm. Các mạch máu cũng vậy, chúng sẽ co lại để giảm thiểu sự mất nhiệt. Điều này khiến cho các mạch máu trở nên hẹp hơn, và cần nhiều áp lực hơn để đẩy máu đi qua. Áp lực máu tăng lên sẽ dẫn đến huyết áp cao.
Ngoài ra, mùa lạnh cũng khiến cho chúng ta ít hoạt động thể chất hơn. Hoạt động thể chất giúp giảm huyết áp, vì vậy khi chúng ta ít hoạt động hơn, huyết áp sẽ có xu hướng tăng lên.
Dưới đây là một số mẹo giúp kiểm soát huyết áp vào mùa lạnh:
Mặc nhiều lớp quần áo để giữ ấm cơ thể.
Uống nhiều nước để tránh mất nước.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
Hạn chế ăn mặn.
Tăng cường hoạt động thể chất.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Cholesterol
Mùa đông, chúng ta thường có xu hướng ăn nhiều hơn, nhất là các món nướng, chiên,... Những món ăn này có thể làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. Cholesterol xấu là một trong những yếu tố gây bệnh tim mạch, đột quỵ
Ngoài ra, việc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào mùa lạnh cũng có thể làm tăng mức LDL. Theo thông tin từ trang Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, ánh nắng mặt trời giúp cơ thể sản xuất vitamin D, vốn có tác dụng làm giảm LDL.
Để giảm mức cholesterol "xấu" vào mùa đông, bạn nên:
Ăn nhiều thực phẩm có lợi cho tim mạch, chẳng hạn như rau, trái cây,..., hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
Tập thể dục ít nhất 2.5 giờ mỗi tuần.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút mỗi ngày.
Đường huyết
Thời tiết lạnh cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu - tình trạng thường diễn ra ở người bị tiểu đường. Vì khi nhiệt độ lạnh có thể khiến cơ thể căng thẳng. Để đáp lại, cơ thể bạn sẽ giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol để tăng cường năng lượng. Những hormone này làm giảm sản xuất insulin. Bởi vì insulin giúp các tế bào của cơ thể hấp thụ glucose (đường trong máu) từ máu, nên có ít insulin hơn có nghĩa là lượng glucose còn lại trong máu sẽ nhiều hơn. Các hormone gây căng thẳng cũng kích thích gan tạo ra và giải phóng nhiều glucose hơn. Kết quả là lượng đường trong máu của bạn tăng lên.
Hơn nữa, vào mùa lạnh sẽ bị cúm hơn thông thường. Bệnh cúm cũng có thể khiến cơ thể bạn giải phóng hormone gây căng thẳng để tăng cường năng lượng và chống nhiễm trùng, khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Ngoài ra, mùa lạnh có thể khiến bạn ăn ngon miệng và dẫn tới việc bổ sung nhiều nguồn thực phẩm, trong đó có cả các nguồn giàu glucose kết hợp với việc bạn lười vận động, thể dục hơn vào mùa lạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu.
Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, gây chít hẹp các mạch máu nhỏ và làm tổn thương hệ thống thần kinh.
Cách kiểm soát đường huyết vào mùa lạnh
Người bệnh bị tiểu đường nên có có những biện pháp chủ động kiểm soát lượng đường huyết để bảo vệ sức khoẻ và tránh những biến chứng nguy hiểm:
Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên nếu bạn bị tiểu đường hoặc có triệu chứng lượng đường trong máu thấp.
Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ áo, uống nước hoặc trà ấm. Người bị tiểu đường nên uống một số loại trà như trà xanh, trà nghệ, trà hoa cúc, trà quế,...
Tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm lượng đường trong máu, giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn, giữ ấm và thậm chí có thể cải thiện tâm trạng. Một số bài tập phù hợp trong mùa lạnh như yoga, leo cầu thang, khiêu vũ hoặc đến phòng tập.
Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng bằng cách hạn chế tiêu thụ những loại thức ăn giàu tinh bột và nhiều đường, đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn nhiều dầu mỡ và các loại nước sốt. Thay vào đó, bạn nên bổ sung ngũ cốc tự nhiên, rau quả, trái cây, thịt nạc, khoai sắn, ưu tiên các món hầm hoặc súp để làm ấm cơ thể.
Sử dụng thuốc nếu được bác sĩ chỉ định
BMI - chỉ số khối cơ thể
Chỉ số khối cơ thể BMI thường có xu hướng thay đổi nhiều vào mùa lạnh. Nguyên nhân cũng là do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống chưa cân bằng, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa chất béo. Chỉ số khối cơ thể tăng quá cao có thể dẫn tới thừa cân, béo phì.
Theo CDC, thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2 cao hơn và cũng có thể liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư nội mạc tử cung, thực quản, gan, thận, tuyến tụy, đại trực tràng, vú, buồng trứng và tuyến giáp, cùng nhiều loại khác.
Cách kiểm soát chỉ số BMI
Không chỉ vào mùa lạnh, chỉ số BMI nên được kiểm soát liên tục trong năm bằng một số cách như:
Ăn uống lành mạnh, bạn nên bổ sung nhiều rau củ quả và hạn chế chất béo không lành mạnh, đặc biệt nên nạp vào cơ thể một lượng calo vừa đủ.
Tập thể dục và vận động thường xuyên, bạn nên đến phòng tập hoặc tham gia các bài tập có cường độ vừa phải đến cường độ cao.
Ngủ đủ giấc, tránh để cơ thể căng thẳng, vì đây cũng là yếu tố làm tích tụ mỡ.