Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở chuyên kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nội. Ảnh: VGP/DA
Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “mỹ phẩm giá rẻ”, lập tức, tôi nhận được hàng loạt địa chỉ kinh doanh mỹ phẩm giá rẻ với những lời mời chào, quảng bá mỹ miều. Bên cạnh các hàng hóa, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vẫn còn không ít sản phẩm được quảng cáo là “hàng xách tay, hàng nội địa, hàng tuồn” của các thương hiệu nổi tiếng được bán công khai trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Cùng một loại sản phẩm nhưng giá tiền dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Điểm nguy hại ở đây, không ai kiểm soát, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Điều đặc biệt đáng lo ngại, các đối tượng lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng. Khi có khách mua, hàng được chuyển qua các đơn vị dịch vụ bưu chính viễn thông nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Tôi được biết, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội liên tục chỉ đạo các đội quản lý chặt địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với các mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa mỹ phẩm. Rà soát, nắm bắt thông tin của các đối tượng bán hàng qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook…, các trang thương mại điện tử. Qua đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tôi cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các sàn giao dịch thương mại điện tử cần có biện pháp kỹ thuật quản lý việc bán sản phẩm làm đẹp, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Đã đến lúc, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn giữa các Bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp.
Đặc biệt, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, mua hàng chính hãng, không nên tin vào những quảng cáo trên mạng, với thực phẩm chức năng làm đẹp, nên mua tại các cửa hàng đã được Bộ Y tế cấp phép để tránh “tiền mất tật mang”.