Theo báo cáo của Hiệp Hội Điều Việt Nam (Vinacas), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu điều đạt 74.580 tấn, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 758 triệu USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ chiếm 45%, Trung Quốc chiếm 36%, còn lại là các nước khác. Trong đó, số lượng nhập khẩu điều nguyên liệu đạt 196,7 ngàn tấn, tăng hơn 16,5% so với cùng kỳ; kim ngạch đạt hơn 439 triệu USD, tăng 29,17%. Thị trường nhập lớn nhất chủ yếu từ Bờ Biển Ngà chiếm 76%, tiếp đến là Campuchia 18%, số còn lại là nhập khẩu từ các nước khác.
Trong buổi thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh ngành điều và hoạt động của Hiệp hội Điều Việt Nam Quý I/2018 do Vinacas tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Quang Luyến, đại diện các DN sản xuất, kinh doanh điều cho biết: Mặc dù 3 tháng đầu năm việc kinh doanh, chế biến thuận lợi nhưng dự báo tổng thể cả năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi ở nhiều địa phương bị mất mùa, trong khi giá nhập nguyên liệu điều thô từ nước ngoài còn khá cao. “Là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới liên tục 12 năm nay nhưng về giá cả vẫn còn phải trông chờ vào thị trường thế giới. Mỗi buổi sáng thức dậy, DN điều nước ta phải nơm nớp về giá, ai cho giá bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, chúng ta chưa thể chủ động được, đó là một nghịch lý lớn”- ông Luyến chia sẻ.
Đã đến lúc các DN, Hiệp hội điều và các cơ quan có liên quan cần ngồi lại để tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết nghịch lý trên. Bên cạnh đó, muốn phát triển bền vững ngành điều trong nước các DN cần phải thay đổi cách làm, bằng hình thức cho ra thị trường những sản phẩm chế biến sâu, đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông để người dân trong nước hiểu được giá trị dinh dưỡng của hạt điều, nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, giống như Ấn Độ đã từng làm và họ rất thành công. Có như vậy, người trồng điều và DN cũng yên tâm sản xuất.