Lý giải về khó khăn trên, đại diện Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng, do ngành điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong khi đó giá nhập khẩu điều thô quá cao và chất lượng chưa tốt.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch VINACAS cho biết, năm 2018, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia chế biến và xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới với sản lượng chế biến đạt 1,65 triệu tấn hạt điều thô; xuất khẩu 391.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,52 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng so với năm 2017, ngành điều Việt Nam vẫn tiếp tục là giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều, chiếm thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,7 tỷ USD), xếp trên Ấn Độ và Brasil.
Theo ông Họa, ngay từ đầu vụ, Viancas đã cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua vào khi giá điều thô quá cao nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại khan hiếm nguồn cung nên vẫn mua vào số lượng lớn nên đã đẩy giá điều thô lên cao, gây rối loạn thị trường điều thô lẫn điều nhân.
Kết quả là đến khi doanh nghiệp chế biến xong, giá điều nhân giảm thấp nhưng vẫn phải bán ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, trong năm 2019, các doanh nghiệp cần tỉnh táo hơn trong việc xác định thời điểm, giá mua vào phù hợp.
Chế biến điều xuất khẩu. |
Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty Long Sơn cho rằng, trong năm 2018 ngành điều thế giới gặp khó khăn nên ở một số quốc gia số lượng điều thô tồn kho còn khá lớn. Thêm vào đó, sản lượng điều ở các nước châu Phi sẽ tăng thêm khoảng 10% -15% nên nguồn cung điều thô trong năm 2019 đang rất dồi dào. Sản lượng điều thô của thế giới chủ yếu cung ứng cho Việt Nam và Ấn Độ vì đây là hai quốc gia đứng đầu thế giới về chế biến, xuất khẩu điều.
Theo ông Sơn, giá điều nhân trong năm 2019 khó có khả năng tăng cao và nguồn cung tài chính tham gia vào ngành điều quốc tế lẫn Việt Nam đều rất hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp không nên vội vàng mua ồ ạt ngay từ đầu vụ, cũng như hạn chế các hợp đồng mua có thời hạn giao quá lâu để tránh rủi ro về giá. Một vấn đề khác mà doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý là vấn đề đặt cọc tiền hàng trong giao dịch thương mại quốc tế, bởi trong giai đoạn hiện nay, hầu hết đối tác nước ngoài đều bị ngân hàng siết chặt tài chính.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho rằng, năm 2018 ngành chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có lãi, thậm chí còn thua lỗ bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan; trong đó, ngành điều chịu ảnh hưởng từ các biến động lớn của kinh tế thế giới như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc làm giảm sức tiêu thụ ở hai thị trường này.
Bên cạnh đó, các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc bắt đầu gia tăng sự bảo hộ thông qua việc siết chặt các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Về chủ quan, các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế do hoạt động theo cơ chế thương mại cũ, giữ thói quen mua nguyên liệu ồ ạt từ đầu vụ để dự trữ cho cả năm, không theo dõi sát các thông tin, biến động về thị trường.
Theo ông Công, trong năm 2019 ngành điều sẽ có nhiều cơ hội hơn năm 2018. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, theo sát diễn biến thị trường thế giới. Mặt khác, hiệp hội cũng định hướng cho các hội viên tập trung vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm để thu lợi nhuận cao hơn. Vinacas đề xuất ngành ngân hàng quan tâm, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chế biến; Bộ Công Thương hỗ trợ các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường…