Cán bộ ngân hàng lập công ty bán đấu giá làm “sân sau”
TAND quận 7, TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá”, nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), ở 39B Ngô Quyền, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị đơn là Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn), địa chỉ 150 đường số 9, khu phố 1, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sau phần hỏi, HĐXX đã dừng phiên tòa. Lý do lịch xét xử chỉ được xếp 1 buổi, vì không đủ thời gian nên dời phiên xử vào ngày 10/3.
Trong vụ án này còn có các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Agribank Chợ Lớn, Công ty xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh - Công ty Kim Oanh), Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương.
Phiên tòa ngày 5/3 đã tạm ngưng
Theo đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú là chủ đầu tư 3 dự án bất động sản (BĐS) gồm: Dự án khu dân cư (KDC) Mỹ Phước 4, tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát; dự án KDC Cầu Đò tại xã An Điền, huyện Bến Cát; dự án KDC Hòa Lân tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An (cả 3 dự án đều ở tỉnh Bình Dương). Trong đó dự án KDC Hòa Lân có tổng diện tích 490.765,1m2 (đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất (SDĐ) là 218.964,7 m2; đất không thu tiền SDĐ 246.853,1m2).
Do biến động của thị trường, ảnh hưởng khả năng thanh toán với ngân hàng,Thiên Phú đồng ý để Agribank Chợ Lớn tiến hành bán đấu giá thu hồi tiền nợ vay theo quy định của pháp luật. Agribank Chợ Lớn đã chỉ định Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức bán đấu giá 3 dự án này.
Điểm d khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: “Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác”. Như vậy, Công ty Nam Sài Gòn đã được thành lập bởi cá nhân bị Luật cấm không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, do vậy, Công ty Nam Sài Gòn không thỏa mãn điều kiện để là kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, hay nói cách khác là Công ty Nam Sài Gòn hoạt động kinh doanh kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản bất hợp pháp. Vì thế các phiên đấu giá do công ty này thực hiện đều là bất hợp pháp. Bởi lẽ đó, các kết quả bán đấu giá do Công ty Nam Sài Gòn thực hiện, trong đó có kết quả bán đấu giá quyền sử dụng đất thuộc Dự án Hòa Lân, phải bị Tòa án tuyên hủy theo quy định của pháp luật. |
Sau khi xác minh, biết Công ty Nam Sài Gòn có liên quan mật thiết với Agribank Chợ Lớn, hay nói cách khác là “sân sau” của Agribank Chợ Lớn, bởi ông Nguyễn Việt Hưng (Trưởng phòng Pháp chế của Agribank Chợ Lớn, đồng thời là thành viên Ban xử lý nợ của Agribank Chợ Lớn đối với khoản nợ của Công ty Thiên Phú) thời điểm đó – chính là sáng lập viên nắm giữ 76% vốn điều lệ của Công ty Nam Sài Gòn. Việc Agribank Chợ Lớn "bắt tay" với Công ty Nam Sài Gòn thực hiện bán đấu giá 03 Dự án của Công ty Thiên Phú là trái quy định của pháp luật vì đây là các giao dịch có xung đột lợi ích, không minh bạch và không đảm bảo yếu tố công bằng, khách quan. Sau khi bán đấu giá các dự án nói trên của Công ty Thiên Phú thì Công ty Nam Sài Gòn cũng dừng hoạt động và hiện không thể tìm kiếm thông tin/liên lạc được với công ty này.
Điều đáng nói nữa là ông Nguyễn Việt Hưng – sáng lập viên thành lập Công ty và là cổ đông chi phối đến 76% vốn điều lệ của Công ty Nam Sài Gòn lại là đối tượng bị cấm tham gia thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 (Khoản 22 Điều 4 và điểm d khoản 2 Điều 13). Agribank là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn. Ông Nguyễn Việt Hưng là cán bộ quản lý nghiệp vụ trong Agribank.
Đối với dự án KDC Hòa Lân, giá khởi điểm để bán đấu giá là hơn 1.467,6 tỷ đồng. Nhưng đến lần đấu giá thứ 12 vào ngày 25/5/2017, giá khởi điểm giảm xuống còn 963 tỷ đồng và Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh, do bà Đặng Thị Kim Oanh làm Tổng Giám đốc) trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi trúng đấu giá dự án KDC Hòa Lân, Công ty Kim Oanh không thanh toán tiền theo quy định pháp luật, qua 4 lần thanh toán vẫn chỉ mới trả được 847,8 tỷ đồng và còn nợ hơn 478,2 tỷ đồng!
Trong khi tại điều 17 Quy chế bán đấu giá, quy định: “Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày đấu giá thành, khách mua tài sản phải thanh toán 20% của số tiền trúng đấu giá (không bao gồm 10% số tiền đặt trước), 70% còn lại của số tiền trúng đấu giá (không bao gồm 30% của số tiền đã thanh toán nói trên), khách hàng phải thanh toán trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành”.
Vi phạm hàng loạt quy định pháp luật
Đặc biệt, trước khi diễn ra cuộc đấu giá lần thứ 12, ngày 28/4/2017 Agribank Chợ Lớn đã có Công văn số 196/NHNoCL-TD gửi công ty đấu giá với nội dung “Các khách hàng tham gia đấu giá, chậm nhất đến ngày 5/5/2017, gửi thông báo bằng văn bản cho Agribank Chợ Lớn phương thức thanh toán (trả ngay hay trả dần) trong trường hợp trúng đấu giá. Nếu khách hàng không gửi thông báo hoặc gửi sau ngày 5/5/2017, Agribank Chợ Lớn xem như khách hàng tham gia đấu giá sẽ thanh toán theo phương thức trả ngay”.
Thanh tra Bộ Tư pháp nêu rõ việc chậm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá của Công ty Kim Oanh.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 48 Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, và biên bản bán đấu giá thành ngày 25/5/2017: “…Nếu quá thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người mua được tài sản đấu giá không thanh toán đủ số tiền mua tài sản theo qui định thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản, và đồng ý hủy kết quả đấu giá vô điều kiện và chấp nhận để bên có tài sản bán đấu giá lấy lại tài sản bán đấu giá để bán lại cho người khác mà không có khiếu nại, thắc mắc gì”.
Trước phiên đấu giá thành này, Công ty Kim Oanh không có văn bản gửi cho Agribank Chợ Lớn để cam kết về phương thức thanh toán, theo quy định, đồng nghĩa sẽ thanh toán theo phương thức trả ngay. Thế nhưng, dù Công ty Kim Oanh không trả đúng, đủ số tiền trúng đấu giá theo thời hạn. Nhưng Agribank Chợ Lớn vẫn… không hủy kết quả bán đấu giá. Việc này Agribank Chợ Lớn đã gây thiệt hại ngân sách Nhà nước 96,3 tỷ đồng là số tiền đặt cọc của Công ty Kim Oanh
Ngoài việc vi phạm Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ, trong quá trình bán đấu giá khu đất dự án KDC Hòa Lân, còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật về Luật Đất đai 2013. Cụ thể, tại khoản 2 điều 173, quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (SDĐ) không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ); thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.
Thế nhưng, trong vụ bán đấu giá dự án KDC Hòa Lân, Agribank Chợ Lớn Và Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã cho thẩm định giá và bán luôn bán luôn cả 246.853,1m2 diện tích đất nhà nước giao không thu tiền SDĐ. Để lách luật, che dấu sai phạm này, trong “biên bản đấu giá và hợp đồng mua bán” ghi: “Đối với phần diện tích đất mà nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật”. Như vậy có thể khẳng định diện tích 246.853,1m2 không thu tiền SDĐ, nằm trong dự án KDC Hòa Lân, chỉ có UBND tỉnh Bình Dương mới có quyền cho phép chuyển giao cho tổ chức hay cá nhân nào đó quản lý.
Cố tình công chứng trái luật
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú, khẳng định ngoài những vi phạm của Agribank Chợ Lớn và Công ty Kim Oanh, còn có sai phạm của Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới. Đó là việc công chứng bán tài sản khi chưa giải chấp, chưa có quyết định của UBND tỉnh, vi phạm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Công chứng.
Biên bản đấu giá ngày 25/5/2017
Theo biên bản bán đấu giá ngày 25/5/2017, quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Công ty Kim Oanh): “... tự thực hiện việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để được tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo quy định của pháp luật, khi có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì tổ chức công chứng mới công chứng được hợp đồng mua bán tài sản đấu giá...”.
Mặc dù ngày 16/6/2017, Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (đơn vị tham gia phiên đấu giá thành ngày 25/5/2017) có công văn số 144/CV–VPCCMP gửi Công ty đấu giá Nam Sài Gòn để nêu rõ yêu cầu cần có để đủ điều kiện công chứng hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá: “… Bên trúng đấu giá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc chuyển đổi chủ đầu tư trước khi văn phòng công chứng Mỹ Phước chứng nhận hợp đồng mua bán tài sản…; nếu quá thời hạn 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người trúng đấu giá không thanh toán đủ tiền mua tài sản thì xem như vi phạm nghĩa vụ thanh toán và từ chối mua tài sản, số tiền mà khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại, đồng thời phải chịu nghĩa vụ bồi thường thiệt hại... và đồng ý hủy kết quả đấu giá để bán tài sản cho người khác mà không có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại gì...”.
Cho dù Văn phòng Công chứng Mỹ Phước đã có văn bản 144, nhưng ngày 1/7/2017 Agribank Chợ Lớn cùng với Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh vẫn cố tình “liên kết” với Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới ký công chứng “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá” số 01–10/2017/HĐMBTSĐG đối với toàn bộ QSDĐ thuộc dự án KDC Hòa Lân, bao gồm 218.964,7m2 đất Nhà nước giao có thu tiền SDĐ đã đăng ký thế chấp (nhưng chưa được xóa thế chấp) và cả 246.853,1m2 đất nhà nước giao không thu tiền SDĐ.
Từ việc chỉ ra hàng loạt sai phạm trước, trong và sau quá trình tổ chức bán đấu giá đất dự án KDC Hòa Lân. Trong đơn kiện, Công ty Thiên Phú đề nghị TAND quận 7 tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy định của pháp luật.