Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 "gọt chân cho vừa giày”…19 nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động!
Làm 17 năm, bỗng dưng cho nghỉ việc
Nhân viên TR.T.H (Khoa Điều trị tự nguyện, BV TTTW 2) cho biết đã làm việc tại bệnh viện này hơn 11 năm. Năm 2010 H được “tuyển dụng hợp đồng” vào làm việc tại bệnh viện. Sau 2 năm, đến tháng 12/2012 H được bệnh viện ký hợp đồng lao động “có thời hạn”, với chức danh chuyên môn “điều dưỡng trung học”. H được hưởng mức lương 85% lương cơ bản của ngạch “điều dưỡng trung cấp”. Sau 9 năm làm việc miệt mài H không hề được ký lại bản hợp đồng lao động nào khác.
Đến ngày 1/1/2019 H được bệnh viện ký tiếp “Phụ lục hợp đồng lao động”, điều chính bậc lương từ bậc 1 lên thẳng bậc 4 với hệ số 2.46. Trong quá trình làm việc, H được tham gia thi tuyển viên chức 2 lần (vào năm 2016 và 2020) nhưng không đạt. Đến ngày 17/5/2021 thì H “bật ngửa” khi nhận được thông báo của BV TTTW 2 “chấm dứt hợp đồng lao động” với H, kể từ ngày 1/7/2021. Lý do là “hết hạn hợp đồng lao động và chờ thi tuyển viên chức”.
Những nhân sự bị cho nghỉ việc đang phản ánh với phóng viên
Hỏi vì sao hai lần thi tuyển viên chức nhưng không đạt, TR.T.H cho biết: “Do nhiều yếu tố khách quan như tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, con cái, nên tôi không có thời gian cập nhật kiến thức và chưa được sư quan tâm tạo diều kiện từ nhiều phía. Vì vậy tôi không vượt qua được kỳ thi tuyển viên chức. Tuy nhiên, xét về công tác chuyên môn, tôi thật sự yêu nghề và có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác chăm sóc bệnh nhân”.
Hầu hết các nhân viên đang trong tình cảnh như TR.T.H. Họ có thời gian làm việc tại bệnh viện từ 8 đến 13 năm, cùng chịu rất nhiều thiệt thòi, như chỉ hưởng 85% bậc lương cơ bản. Nếu như những nhân viên khi được tuyển vào làm chính thức thì được đăng ký chiến sĩ thi đua để được xét lên lương trước thời hạn. Còn các trường hợp nhân viên “hợp đồng” thì chỉ được hưởng 85% lương, nên dù có đăng ý chiến sĩ thi đua thì cũng không được bệnh viện xét lên lương. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhân viên không khỏi bật khóc.
Trong số 19 nhân viên này, trường hợp NG.T.L là người có thời gian làm việc lâu nhất (17 năm) tại bệnh viện. Anh L cho biết tháng 11/2004 anh được bệnh viện nhận vào thử việc 3 tháng. Đến đầu năm 2005 anh chính thức được bệnh viện ký hợp đồng lao động, hưởng lương bậc 1 “dược sĩ sơ cấp”, đến nay anh đã được nâng lương lên bậc 7 hệ số 2.73. Năm 2020 anh L không đạt trong kỳ thi tuyển viên chức. Ngày 17/5/2021 anh L cũng như các nhân viên khác, nhận được thông báo “chấm dứt hợp đồng lao động”.
“Tôi năm nay 42 tuổi, đã có 17 năm gắn bó công việc, cống hiến hết mình tại bệnh viện. Nay bệnh viện “thanh lý hợp đồng” cho tôi nghỉ việc với lý do hết hạn hợp đồng lao động và chờ thi tuyển viên chức thì quá thiệt thòi cho tôi. Nghỉ việc thì chúng tôi sẽ đi đâu về đâu, trong khi ngành “tâm thần” thì không phải có nhiều nơi tuyển dụng lao động. Rất mong Bộ Y tế xem xét cho chúng tôi một giải pháp hợp lý!”, anh L đề cho biết.
Đơn kêu cứu và thông báo chấm dứt hợp đồng lao động |
Bệnh viện thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế!
“Khi biết sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động với bệnh viện, chúng tôi rất đau khổ, mất phương hướng, không biết bấu víu vào đâu. Vì cuộc sống chúng tôi có sự xáo trộn rất lớn. Qua nhiều năm làm việc tại đây, bây giờ tuổi tác chúng tôi đã cao, chúng tôi xin việc làm rất khó khăn, rồi cuộc sống sẽ đi về đâu?”, các nhân viên trình bày trong đơn kêu cứu gửi Bộ Y tế.
Ngày 3/6/2021, trao đổi với phóng viên báo KInh tế và Đô thị, ông Võ Thành Đông - Giám đốc BVTTTW2 cho biết, trong 2 năm qua bệnh viện có phát sinh nhiều đơn thưa kiện. Trong đó có nội dung đơn tố cáo tôi (ông Võ Thành Đông – PV) từ khi về nhận nhiệm vụ giám đốc đã tiếp tục sử dụng những hợp đồng chuyên môn gồm 20 người đã ký hợp đồng lao động không đúng quy định (tại văn bản số 475/BNV-TCCB ngày 25/1/2017 của Bộ Nội vụ, và Công văn số 865/BYT-TCCB ngày 28/2/2017 của Bộ Y tế), đề nghị làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.
Sau khi thanh tra vụ việc tố cáo này, ngày 7/4/2020 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký “Kết luận nội dung tố cáo” số 554/KL-BYT. Tại kết luận này, Bộ Y tế yêu cầu BVTTTW 2 thực hiện: “Rà soát các trường hợp đã ký hợp đồng chuyên môn không đúng quy định tại BVTTTW 2. Thực hiện các biện pháp khắc phục đảm bảo việc hợp đồng chuyên môn theo đúng quy định”.
Tiếp đến, ngày 25/4/2021 Bộ Y tế ra thông báo thẩm định quyết toán ngân sách 2019 đối với BVTTTW 2 cũng đề cập về việc quản lý biên chế và hợp đồng lao động. Một lần nữa Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện thực hiện: “Chấm dứt ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn nghiệp vụ trái các quy định tại Nghị định số 161/2018/ND-CP ngày 29/11/2018 và thực hiện chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/9/2019 của Bộ Nội vụ đối với số lao động hợp đồng các công việc theo quy định tại Nghị định số 68/2000/ND-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, phù hợp với số lao động trong đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt (lưu ý không được sử dụng nguồn ngân sách để chi trả và quyết toán tiền lương cho đối tượng ký hợp đồng chuyên môn”.
Các nhân viên này đã có hơn chục năm công tác tại bệnh viện, giờ bị chấm dứt hợp đồng
Cần một giải pháp phù hợp hơn để sửa sai
Ngày 10/5/2021 Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 626/TB-BYT thông báo “Kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, kiến nghị và đề xuất của BVTTTW 2”. Một lần nữa Bộ Y tế đề nghị: “Giám đốc BVTTTW 2 theo thẩm quyền đã được phân cấp, giải quyết dứt điểm 25 nhân viên được bệnh viện ký hợp đồng từ năm 2004 theo đúng quy định”. Từ những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, lãnh đạo BVTTTW 2 đã thực hiện ra thông báo “chấm dứt hợp đồng lao động” với các nhân sự như trình bày ở trên.
“Trước kia (các thời kỳ giám đốc bệnh viện) họ đã làm sai. Họ làm hợp đồng chuyên môn đã không đúng quy định, như vậy hợp đồng này là vô hiệu. Nhưng trong trường hợp những lao động này, bệnh viện đã tổ chức thi tuyển viên chức mà họ không đạt thì làm sao tuyển dụng? Có những trường hợp thi tuyển viên chức 1 đến 2 lần vẫn không đạt, họ quay ra tố cáo lãnh đạo bệnh viện. Bộ Y tế đã thanh tra và phát hiện ra sai trái. Sai thì phải sửa, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho giám đốc bệnh viện thực hiện…”, ông Võ Thành Đông nói.
Rõ ràng, từ việc BVTTTW 2 tuyển dụng và ký kết hợp đồng với nhiều lao động vào làm việc qua nhiều năm nhưng không đúng với quy định pháp luật. Đến nay bằng những kỳ thi tuyển viên chức...những nhân viên này đã bị mất việc, thì chẳng khác nào kiểu “gọt chân cho vừa giày” để hợp thức hóa các thủ tục theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Đành rằng mọi cơ quan, mọi công dân đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này những lao động không hề có lỗi. Mà sai phạm ở đây chính là việc ký kết hợp đồng lao động chuyên môn không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, đề nghị BVTTTW 2 cũng như ngành y tế cần một giải pháp thực tế phù hợp, “thấu tình đạt lý” hơn cho những trường hợp lao động mà lỗi sai đã không thuộc về phía họ.