Voi rừng xuất hiện ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai ngày càng hung dữ, chúng phá phách vườn rẫy, nhà cửa và uy hiếp đến người dân
Voi phá nát nhà, vườn của nhiều hộ dân
Từ đầu năm đến nay, voi rừng thường xuyên kéo ra các ấp 3,4, 5,6,7 của xã Thanh Sơn. Chúng hung hăn phá hoại cây trồng và nhà của người dân. Đàn voi có khoảng 5-6 con, chúng ra khu vực rẫy dân cả ban ngày và ban đêm. “Đàn voi rừng ngày càng mạnh bạo, có khi kéo ra đường lớn trong ấp cả buổi sáng lẫn buổi chiều khiến nhiều người dân lo lắng đến an toàn của bản thân”, một cán bộ xã Thanh Sơn nhận xét.
Chứng kiến nhiều lần đàn voi kéo về khu vực rẫy của dân, ông Lê Văn Độ -Trưởng ấp 5 xã Thanh Sơn cho biết gần đây, đàn voi hung hăng hơn nhiều. Có khi 8g tối, cũng có khi 2-3 giờ chiều cả một đàn voi kéo nhau ra đường lớn đi nghênh ngang. Sau đó chúng đi dạt vào các rẫy ăn xoài, chuối, dừa, mía, mì và quật đổ nhiều cây trồng.
“Từ đầu năm đến nay, ấp 5 đã có hơn 100 hộ bị thiệt hại. Hàng chục ha cây trồng bị voi phá hỏng làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân. Ấp đang tổng hợp thiệt hại của bà con để gửi huyện, tỉnh hỗ trợ”, ông Lê Văn Độ nói.
Trong khi đó, tại ấp 7 xã Thanh Sơn, người dân cho biết, trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, voi rừng đã phá hoa màu của 12 hộ dân trong ấp và làm sập 4 chòi trong rẫy. Nhiều rẫy trồng chuối, xoài, bưởi, sầu riêng bị voi ăn trái xong, quật cây gãy đổ ngổn ngang. Những vườn cây ăn trái, người dân muốn phục hồi lại như cũ phải mất vài năm, trong thời gian đó không có nguồn thu các hộ sẽ rất khó khan.
Nhà dân vị voi rừng phá
Báo cáo từ UBND xã Thanh Sơn, năm 2019 voi rừng gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá trên 12 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ cho các hộ được hơn 3 tỷ đồng. Đến năm 2020, voi rừng tiếp tục tàn phá khoảng 300ha cây trồng của 170 hộ dân ở các ấp. Hiện xã Thanh Sơn đang tổng hợp thiệt hại do voi rừng gây ra để đề nghị huyện, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân giảm bớt khó khăn.
Bao giờ người dân mới được an tâm?
Ông Lê Việt Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết nhiều năm nay, người dân ở các ấp của xã Thanh Sơn luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng cho tài sản và tính mạng của mình. Hiện nay, người dân cũng như chính quyền địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn đàn voi kéo ra các ấp ngày một nhiều. Khi đàn voi ra, người dân chỉ biết tránh đi để không xảy ra xung đột giữa voi và người.
Còn UBND xã Thanh Sơn đã đề xuất lên cấp huyện Định Quán và UBND tỉnh Đồng Nai về việc cần thiết đẩy nhanh tiến độ dự án làm hàng rào điện tử để ngăn chặn voi rừng tràn vào các ấp phá cây trồng, tài sản của người dân tại các ấp. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa được thi công khiến chính quyền xã rất lo lắng cho tính mạng, tài sản của người dân.
Voi rừng phá vườn của dân
Được biết, vào năm 2014 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã triển khai dự án xây dựng hàng rào điện tử nằm trong khuôn khổ của “Dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh giai đoạn 2014-2020”. Tuy nhiên hàng rào điện tử vẫn chưa bao quanh hết khu rừng và những điểm voi thường hay ra phá rẫy người dân.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai dự tính khoản kinh phí gần 30 tỷ đồng để làm tiếp hàng rào điện tử từ xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) nối sang xã Thanh Sơn với chiều dài hơn 20km. Hàng rào điện tử có thể hạn chế được xung đột giữa voi và người dân.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vấn đề dự án và kinh phí chống đàn voi, ông Lê Việt Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết việc xây dựng hàng rào điện tử qua xã Thanh Sơn đang triển khai. Nhưng quá trình làm còn vướng ở khâu đất đai nên chưa khởi công xây dựng được. Nguyên nhân dự án cần thu hồi khoảng 25ha đất của người dân và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà, nhưng vì dự án chưa có trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nên phải đợi cập nhật xong mới triển khai tiếp.
Kinh phí đã được tỉnh Đồng Nai rót xuống, và dự kiến sẽ được rót tiếp cho việc triển khai làm hàng rào điện tử nhằm ngăn chặn đàn voi xâm hại đến nhà cửa, vườn rẫy và tính mạng của người dân. Tuy nhiên, thực tế đàn voi ngày một hunh hăng tìm chỗ hở tiếp giáp rừng và vườn của dân để chui ra phá phách, khiến cho cuộc sống người dân ngày càng bất an. Đến bao giờ người dân vùng xã Thanh Sơn và các xã lân cạnh mới được yên?