Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay, tại vùng nuôi xã Cam Bình, TP Cam Ranh - “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở Khánh Hòa có khoảng 1.100 hộ nuôi với gần 10.000 lồng nuôi. Trong số lồng nuôi trên có khoảng 100 tấn tôm thịt đến thời kỳ xuất bán.
Thế nhưng, người nuôi tôm hùm không bán được do việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ. Ngoài ra, nhiều thương lái vẫn còn nợ tiền bán tôm của người dân lên tới hàng chục tỷ đồng bởi việc xuất khẩu tôm bị ách tắc thời gian gần đây. Trong khi đó, người nuôi tôm lại không liên lạc được với các thương lái này.
Do tôm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên việc thu mua tiêu thụ nội địa rất chậm, không đáng kể. Hiện giá tôm thịt thu mua buôn nội địa giảm mạnh chỉ còn 400.000-500.000 đồng/kg, mức giá theo ông là thấp nhất ba năm qua.
Điểm "giải cứu" tôm hùm |
Anh Hoàng - giám đốc một doanh nghiệp thủy sản chuyên xuất khẩu tôm hùm đi Trung Quốc cho biết, từ trước tết mặt hàng này đã khó tiêu thụ vì phía Trung Quốc giảm thu mua. Nhưng nay khi dịch Covid-19 lên cao, họ đã ngưng hẳn.
Do đó, nhiều chuỗi cửa hàng hải sản đã thu mua để hỗ trợ nông dân. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển (Hà Nội) trước đây hiếm khi bán tôm hùm nhưng nay ông Trần Quân, CEO đã quyết định tìm đến tận vựa nuôi tôm tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ông cam kết thu mua theo số lượng đơn đặt hàng và hỗ trợ người dân với mức giá bằng và cao hơn thị trường. Sau đó, hàng được bán ra với giá hấp dẫn cho người tiêu dùng để kích cầu tiêu thụ. Ví dụ, giá tôm hùm xanh trước khoảng 400.000-500.000 đồng/con thì nay cửa hàng chỉ bán khoảng 299.000-350.000 đồng (loại 350-400 gram).
Với chi phí vận chuyển cao vì được đưa từ Nha Trang đến Hà Nội bằng máy bay, chưa kể công thu mua và bảo quản rồi giao sống 100% tới người tiêu dùng, ông Quân cho rằng mức giá 299.000 đồng là cách để hỗ trợ người nuôi bán nhanh. Đồng thời ông hy vọng sẽ xây dựng nhóm khách hàng nội địa để tôm hùm Việt bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Sau 7 ngày thực hiện kế hoạch này, lượng hàng bán ra đạt trên 1 tấn và đang tăng theo ngày.
Chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản ở TP Hồ Chí Minh cũng chung tay hỗ trợ tiêu thụ tôm hùm. Ông Nguyễn Kỳ Phillip, chủ chuỗi này nói đang thu mua tôm hùm baby với giá 600.000-700.000 đồng một kg. Trong 5 ngày cửa hàng đã bán được gần nửa tấn tôm hùm cho người dân TP Hồ Chí Minh - mức tiêu thụ nhanh gấp nhiều lần trước đó.
Tại đây, tôm hùm baby thay vì bán 1,2 triệu đồng được bán chỉ 750.000 đồng một kg (loại 200-300 gram một con). Với loại 3 con một kg, giá chỉ 900.000 đồng, giảm 27% so với tuần trước đó.
Thông tin trên fanpage chính thức VinMart.
Theo thông tin trên fanpage chính thức VinMart, từ ngày 16/2 đến hết ngày 23/2, siêu thị sẽ triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận, giải cứu tôm hùm xanh baby.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, tôm hùm xanh baby đông lạnh loại 0,2-0,3kg/con giá chỉ còn 495.000 đồng/kg. Trong khi đó tại khu vực miền Nam, ngoài mặt hàng tương tự này, các đại siêu thị ở đây còn triển khai bán tôm hùm tươi sống loại 0,2-0,5kg/con với mức giá chỉ 630.000/kg, nghĩa là đã giảm 46% so với bình thường.
Bài đăng kể trên đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận, tương tác từ người dùng Facebook. Nhiều khách hàng phản hồi chất lượng tôm khá tốt. Tuy nhiên, chương trình hiện chỉ mới được áp dụng tại các đại siêu thị lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, chứ không triển khai rộng rãi ở các tỉnh hay cấp cửa hàng nhỏ như VinMart+.
Bên cạnh hải sản Việt Nam, nhiều hải sản nhập khẩu cũng giảm giá vì dịch bệnh như tôm hùm Alaska có giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg thì nay chỉ còn 990.000 - 1,1 triệu đồng. Trong khi đó, cung hoàng đế từ 2,2 triệu đồng/kg cũng giảm xuống còn 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg.
Anh Thanh (một người bán hải sản ở Hà Nội) cho biết, đẫy là mức giảm giá mạnh nhất đối với tôm hùm Alaska và cua hoàng đế trong mấy năm nay. Dù mức giá vẫn trên dưới 1 triệu đồng nhưng với hải sản nhập khẩu thì cũng là khá rẻ.
Cũng theo anh Thanh, giá rẻ hơn nên lượng khách tìm mua tôm hùm Alaska và cua hoàng đế nhiều hơn.
Ngoài ra, một số hải sản nhập khẩu khác cũng có giá rẻ hơn như cua pha lê, bào ngư Úc...
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, hiện tác động của việc hủy đơn với mặt hàng thủy sản do covid- 19 chưa có, nhưng đã xảy ra tình trạng chậm và điều chỉnh đơn hàng. Khó khăn trước mắt mà các doan nghiệp gặp phải là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận container hàng chở đi Trung Quốc, các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.
Số doanh nghiệp có hàng xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn hiện đang tồn kho; trong khi phía Trung Quốc, nhiều khách bán trực tiếp cho các nhà hàng đã giảm hoặc ngưng mua hàng vì không muốn mất chi phí lưu kho do hệ thống nhà hàng, cửa hàng thực phẩm đã tạm dừng hoạt động...