Sáng 17/1, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 15/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, chính quyền địa phương và thống nhất đề nghị Bộ GTVT phương án giảm giá vé, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để dự án thu phí trở lại tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) từ 0 giờ ngày 14/2/2019 (tức mùng 10 Tết Kỷ Hợi 2019).
Cụ thể, mức giá vé áp dụng đối với nhóm phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) là 15.000 đồng/vé/lượt, giảm 58% so với mức thu ban đầu (35.000 đồng/vé/lượt). Mức giá vé lượt áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40 - 60% so với mức giá ban đầu; mức vé tháng, vé quý cũng giảm tương ứng.
Đi cùng với việc giảm phí, thời gian thu phí sẽ kéo dài từ 7 năm lên 13 năm.
BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại từ 14/2/2019.
Không chỉ đề xuất giảm giá chung cho các loại phương tiện qua trạm, Tổng cục ĐBVN cũng kiến nghị Bộ GTVT mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vé đối với phương tiện của người dân xung quanh trạm Cai Lậy ở bán kính 10km, thay vì 4km như trước đây, gồm: xã Phú An, Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy); xã Long Khánh, phường 2 (TX.Cai Lậy); xã An Cư, xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè). Trong đó, các loại xe buýt và phương tiện không sử dụng để kinh doanh được giảm 100% giá vé, còn lại các phương tiện sử dụng để kinh doanh giảm 50% giá vé.
Theo ông Cường, chiều qua 16/1, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do ông làm trưởng đoàn đã làm việc với chính quyền địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án về các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để trạm BOT Cai Lậy dự kiến thu phí trở lại từ 0 giờ ngày 14/2/2019.
Cũng trong ngày 16/1, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) phối hợp đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Dự án đầu tư xây dựng QL1 qua thị xã Cai Lậy có chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn1.398 tỷ đồng, gồm hai hợp phần: Hợp phần 1 - Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Hợp phần 2 - Xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu trên tuyến. Vị trí trạm thu giá dịch vụ để hoàn vốn đặt tại khoảng Km 1999+900, QL1 nằm trong phạm vi dự án.
Từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Từ ngày 14/12/2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải buộc tạm dừng thu phí, chờ phương án xử lý của Chính phủ.