Chiều ngày 16/4, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (PPP- Bộ GTVT) cho biết, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn tất phương án trình Chính phủ về việc thu phí tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy, giảm 60% mức phí
Theo đó, trong 5 phương án trình Chính phủ về giải pháp xử lý trạm BOT Cai Lậy, Bộ kiến nghị áp dụng phương án 1 là giảm phí mạnh cho tất cả phương tiện qua trạm. Xe loại 1 giảm phí từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng (giảm khoảng 60%) và mở rộng phạm vi miễn, giảm phí vùng lân cận khoảng 10km.
Phương án này được Bộ Giao thông đánh giá là có nhiều ưu điểm nhất, không phải bố trí ngân sách hỗ trợ dự án, giảm ảnh hưởng chi phí vận tải, đạt mục tiêu là phân luồng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Nhược điểm là dự án kéo dài thời gian hoàn vốn đầu tư tới 15 năm.
Ông Huy nói rõ, Bộ GTVT đã phân tích lưu lượng phương tiện qua việc đếm xe và thuê đơn vị tư vấn độc lập tính toán biện pháp để tìm giải pháp tối ưu.
Hiện nay lượng xe trên hai tuyến đường qua thị xã Cai Lậy là hơn 26.000 mỗi ngày, trong đó có hơn 9.000 xe trên tuyến tránh, còn lại là trên QL1.
“Nếu chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh như ý kiến nhiều lái xe và chuyên gia giao thông thì phương tiện sẽ dồn vào QL1, gây ùn tắc và nhà nước phải bù cho dự án hơn 1.200 tỷ đồng”, ông Huy nói.
Với phương án 2, doanh nghiệp sẽ lập thêm một trạm trên tuyến tránh để thu phí cả hai trạm trên tuyến tránh và trên quốc lộ 1. Thời gian hoàn vốn mỗi trạm khoảng 10 năm 10 tháng với mức giá trên tuyến tránh là 25.000 đồng cho xe nhóm 1, trên tuyến quốc lộ là 15.000 đồng. Đây là phương án được nhiều chuyên gia đề xuất để xử lý trạm BOT Cai Lậy.
Bộ GTVT đánh giá, phương án hai sẽ giảm phản ứng của một bộ phận người sử dụng, nhưng lại phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu phí ở vị trí mới khoảng 70 tỷ đồng, số tiền này phải tính vào vốn đầu tư dự án.
Phương án này cũng sẽ dẫn đến tình trạng phương tiện tập trung đi qua QL1 do mức giá thấp hơn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
Phương án 3 là giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, mức giá 25.000 đồng cho mỗi lượt xe nhóm 1, thời gian thu phí khoảng 7 năm 7 tháng. Nhược điểm của phương án này là đã bị dư luận phản ứng trong thời gian qua.
Phương án 4, đặt trạm thu trên tuyến tránh và phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến tránh.
Vụ trưởng Vụ PPP cho biết, với phương án này nhà nước sẽ phải dùng ngân sách để hỗ trợ khoảng 1.250 tỷ đồng.
Việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép phương tiện đi vào tuyến tránh.
Với phương án 5, Bộ GTVT sẽ đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm thu phí Cai Lậy và dùng vốn nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư bao gồm lãi vay phát sinh trong thời gian 2019-2029 khoảng 2.026 tỷ đồng.
"Vốn ngân sách còn khó khăn nên nhà nước rất khó mua lại dự án này. Ngoài ra, hệ lụy có thể lan sang 5 dự án khác tương tự, nhà nước có thể phải bố trí hơn 11.000 tỷ đồng để mua lại", ông Nguyễn Danh Huy cho hay.
Trên cơ sở đánh giá các ưu nhược điểm, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ lựa chọn phương án một. Nếu trường hợp này không được chấp nhận thì có thể ưu tiên phương án hai.
“Giải pháp nào cũng có ưu nhược điểm, song cần tính toán phương án tối ưu. Bộ GTVT chờ Chính phủ quyết định phương án cuối cùng", ông Huy nhấn mạnh.
Trước đó, BOT Cai Lậy là một trong những điểm nóng phức tạp kể từ khi bắt đầu thu phí hồi tháng 8/2017. Bởi dư luận và giới tài xế cho rằng vị trí đặt trạm và mức phí không hợp lý là lý do khiến trạm này liên tục bị phản ứng.
Đến đầu 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng việc thu phí ở đây để nghiên cứu tìm phương án giải quyết.