1. Mùng 3/12/2017 là ngày thứ 4 tiếp diễn "xung đột" tại BOT Cai Lậy giữa chủ đầu tư và cánh tài xế. Điệp khúc xả trạm khi có phản đối – thu lại khi thấy ổn cứ lặp đi lặp lại trong suốt 4 ngày qua, khiến dư luận ngỡ ngàng...
Ngày 30/11, đúng 09h sáng, BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thu phí trở lại sau 3 tháng xả cửa cho xe qua miễn phí. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.
Lực lượng CSCĐ làm nhiệm vụ tại khu vực trạm BOT Cai Lậy - Ảnh VNN. |
"Học tập" BOT Biên Hòa, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như: Làm thêm hai bãi xe rộng 800 m2, để những tài xế trả tiền lẻ sẽ không phải dừng ở các làn đường, đưa xe vào bãi riêng giải quyết. Đặc biệt, ngoài số lượng nhân viên bảo vệ đông đảo, tại BOT Cai Lậy, lực lượng CSGT, CSCĐ… cùng các xe cứu thương, xe chữa cháy, xe cẩu… cũng được huy động, sẵn sàng xử lý các tài xế "không chấp hành".
Nhưng thay vì sử dụng tiền lẻ, một số tài xế trả 24.500 đồng và ba tờ mệnh giá 200 đồng để mua vé mức giá 25.000 đồng, đòi trả lại 100 đồng; có tài xế sử dụng tiền 500.000 đồng; người thì không chịu nhận vé với số tiền mới dập đè lên số cũ, không thanh toán phí với chủ xe được…
BOT Cai Lậy bắt đầu điệp khúc Thu phí – Xả trạm – Thu phí – Xả trạm..., xen giữa đó là những xung đột, tranh cãi bất tận.
* * *
2. Lòng dân. Đó là sự hậu thuẫn mà BOT Cai Lậy không có được trong "cuộc chiến" với cánh lái xe, một sự bất lợi to lớn nhất, dù họ có vin vào biết bao văn bản của Bộ GTVT, của UBND tỉnh Tiền Giang…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Thật kêu gọi người dân cần ủng hộ BOT Cai Lậy - Ảnh PLO. |
Cần phải khẳng định rằng, kêu gọi tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT là một chủ trương đúng, khi ngân sách nhà nước không thể đủ để đầu tư hạ tầng trên diện rộng. Thêm nữa, mô hình đầu tư này đã áp dụng thành công ở nhiều địa phương, ở các nước trên thế giới.
Nhưng ở BOT Cai Lậy, mục tiêu vì lợi ích của cộng đồng, của quốc gia bị đặt câu hỏi, khi đường tránh mới xa hơn, không ai đi, quốc lộ 1 khu vực này không có dấu hiệu quá tải. Đặc biệt, vị trí đặt trạm là ngay ở cửa ngõ ra vào ĐBSCL, ảnh hưởng tới gần như mọi phương tiện chở hàng hóa, hành khách và lưu thông về ĐBSCL và từ ĐBSCL lên Đông Nam Bộ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nói gì khi "vi hành" BOT Cai Lậy?
(Tieudung.vn) - Ngày 2/12, ông Nguyễn Văn Huyện Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đã có mặt tại “điểm nóng” BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để kiểm tra tình hình. |
Từ đó, hàng loạt đề xuất được đưa ra: Yêu cầu Bộ GTVT cần nhanh chóng di dời trạm về đúng vị trí để yên lòng dân; Nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến đường tránh, trạm thu phí bắt buộc đặt trên đường tránh; Quốc lộ 1 là hạ tầng cơ bản, được xây dựng từ ngân sách nhà nước thì không được thu phí của nhân dân; Về chi phí cải tạo quốc lộ mà nhà đầu tư đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả… (?!)
Đó là những câu hỏi khó mà Bộ GTVT, Chính phủ sẽ không dễ giải đáp trong một sớm một chiều.
* * *
3. Khi các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chưa tìm ra giải pháp căn cơ "xung đột" giữa chủ đầu tư BOT Cai Lậy và cánh tài xế cứ thế tiếp diễn, thì về mặt kinh tế, chỉ nhân dân – đáng kể nhất là nhân dân ĐBSCL là "thua cuộc", đã khó khăn, lại càng thêm khốn khó chồng chất…
Khi nhân dân đồng tình, ủng hộ, thì mọi khó khăn đều vượt qua - Ảnh minh họa. |
Không thể nào ông Nguyễn Văn Thể - tân Bộ trưởng Bộ GTVT và ông Lê Minh Khái – tân Tổng Thanh tra Chính phủ không biết được rằng, những năm gần đây, kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở, xâm mặn phá hủy việc canh tác, sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản của bà con. Các ông đều là con dân ĐBSCL, từng là lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, và giờ có tránh nhiệm thanh kiểm tra, đánh giá sự đúng - sai, hợp lý - bất hợp lý... đối với dự án này.
BOT Cai Lậy ra đời, đã đặt ngay ở vị trí "yết hầu" của ĐBSCL, chi phí mà các phương tiện phải chịu, đều đổ lên đầu người dân, doanh nghiệp nơi đây, khiến cuộc sống, việc sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh… của họ thêm trăm bề khốn khó.
Bộ GTVT và chính quyền tỉnh Tiền Giang có đầy đủ mọi công cụ để bảo vệ cho trạm BOT Cai Lậy được tồn tại trên quốc lộ 1. Nhưng với "xung đột" kéo dài này, thiết nghĩ Bộ GTVT và chính quyền tỉnh Tiền Giang nên có giải pháp giải quyết thấu tình đạt lý để sớm chấm dứt tình trạng này.