Từ năm 2018, TP Hồ Chí Minh thu phí đỗ ô tô ở hơn 20 tuyến đường thuộc quận 1, quận 5 và quận 10, nhằm giảm ùn tắc, tạo nguồn thu cho ngân sách. Mức phí thấp nhất từ 20.000 đến 25.000 đồng cho giờ đầu tiên, thông qua ứng dụng MyParking, không dùng tiền mặt.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Đơn vị tổ chức thu phí là Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Ngành giao thông thành phố tính toán với số vị trí cho đỗ xe này sẽ thu được khoảng 6,7 tỉ đồng mỗi tháng (khoảng 80 tỉ đồng mỗi năm).
Sau thời gian triển khai, tình trạng ôtô đậu "chây ì" trên các tuyến đường đã giảm, song số tiền thu được hầu như luôn thấp hơn chi phí quản lý.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Công chánh TP Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện công tác thu phí trông giữ xe ôtô từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2024 là khoảng 22,04 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số chi phí cho công tác tổ chức thu phí (chi phí nhân công, thuê phần mềm thu phí…) là khoảng 24,32 tỉ đồng, tức vượt số thu 2,28 tỉ đồng.
Từ ngày 4/12/2020 - 30/6/2022: thu hơn 4,31 tỉ đồng, chi hơn 8,67 tỉ đồng (số chi cao hơn thu 4,3 tỉ đồng).
Từ 1/7/2022 - 30/6/2023: thu hơn 5,94 tỉ đồng, chi hơn 6,67 tỉ đồng (số chi cao hơn thu 0,7 tỉ đồng).
Từ 1/7/2023 - 31/3/2024: thu hơn 6,75 tỉ đồng, chi hơn 5,27 tỉ đồng (số chi thấp hơn thu 1,5 tỉ đồng).
Từ 1/4/2024 - 30/10/2024: thu hơn 5 tỉ đồng, chi hơn 3,71 tỉ đồng (số chi thấp hơn thu 1,3 tỉ đồng).
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã giao Sở Tư pháp, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp hỗ trợ Sở Giao thông Công chánh đề xuất trình HĐND TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND.
Sở Giao thông Công chánh TP Hồ Chí Minh cũng được giao phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh rà soát, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh về chủ trương, phạm vi, kinh phí xây dựng đề án khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Việc này cần hoàn thành trước ngày 10/4 năm nay.