Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nghề truyền thống này theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, quảng bá sản phẩm qua du lịch và thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu “Bánh cuốn Thanh Trì” như một biểu tượng ẩm thực văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.
Bánh cuốn Thanh Trì là một trong những món ăn dân dã mang đậm tinh hoa ẩm thực đất Kinh kỳ. Từ những nguyên liệu giản dị như gạo tẻ, hành phi, nước mắm, người thợ lành nghề nơi đây đã tạo nên món bánh mỏng tang, mềm mại, thơm hương gạo mới, dậy vị truyền thống độc đáo không lẫn với bất cứ nơi nào. Không giống như các loại bánh cuốn ở nhiều địa phương khác, bánh cuốn Thanh Trì không nhân, được tráng thật mỏng, ăn nguội, thường kèm chả quế hoặc chả viên, chan nước mắm pha chua ngọt. Chính sự tối giản nhưng tinh tế trong cách chế biến và thưởng thức đã khiến món ăn này trở thành biểu tượng ẩm thực Hà thành.
Nghề làm bánh cuốn ở làng Thanh Trì đã tồn tại từ lâu đời, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Người dân làng nghề không chỉ lưu giữ kỹ thuật chế biến truyền thống mà còn luôn tuân thủ sự khắt khe trong từng công đoạn, từ khâu chọn gạo, ngâm, xay, lọc bột, đến tráng bánh và bảo quản. Với họ, nghề làm bánh cuốn không đơn thuần là kế sinh nhai mà là niềm tự hào, là nếp sống văn hóa đặc trưng được hun đúc qua thời gian. Bánh cuốn Thanh Trì vì thế, không chỉ là món ngon mà còn là biểu tượng tinh thần, là hồn cốt của làng.
Việc ghi danh vào danh mục di sản quốc gia là cơ hội quan trọng để bảo tồn, tôn vinh và quảng bá rộng rãi hơn giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo của làng nghề. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Hà Nội kết nối phát triển du lịch làng nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân và góp phần làm phong phú thêm bản sắc vùng đất ngàn năm văn hiến.