Hai di sản văn hóa phi vật thể này gồm: Tri thức dân gian về bún bò Huế và Lễ hội Bhuoih Haro Tơme (Mừng Lúa Mới) của người Cơ Tu.
Bún bò Huế không chỉ là món ăn trứ danh của đất cố đô, mà còn là kết tinh của một hệ tri thức dân gian phong phú được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Di sản Tri thức dân gian về bún bò Huế bao gồm toàn bộ quy trình chọn nguyên liệu, chế biến, trình bày món ăn, cũng như các tập tục ẩm thực và văn hóa ứng xử gắn với món bún bò trong đời sống người dân xứ Huế.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Việc công nhận bún bò Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự khẳng định giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc, đồng thời mở ra cơ hội bảo tồn và phát huy thương hiệu bún bò Huế trong phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Lễ hội Bhuoih Haro Tơme (Mừng Lúa Mới) của người Cơ Tu là nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc tín ngưỡng và tập quán canh tác nương rẫy của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống xã Nam Đông, xã Long Quảng, xã Khe Tre (Tp.Huế).
Lễ hội không chỉ là dịp tạ ơn thần linh sau mùa vụ bội thu, mà còn là không gian cộng đồng nơi người Cơ Tu gắn kết qua các hoạt động văn hóa. Việc đưa lễ hội này vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia là bước đi quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số và phát triển du lịch vùng cao.
Đây là những giá trị văn hóa đặc sắc gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng và ẩm thực truyền thống của người dân địa phương. Việc được ghi danh không chỉ góp phần khẳng định giá trị văn hóa bản địa của Huế mà còn mở ra cơ hội bảo tồn, phát huy và quảng bá rộng rãi hơn những di sản quý giá đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Tại các quyết định, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể vừa được công bố trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.