Thứ 2, 14/10/2024, 19:13 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Nguy hiểm trào lưu 'bắt pen': đừng đùa giỡn tử thần!

Nguy hiểm trào lưu 'bắt pen': đừng đùa giỡn tử thần!
(Tieudung.vn) - Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều video theo trào lưu 'bắt pen' (dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ đến khi có dấu hiệu rơi vào trạng thái lơ mơ, lịm dần đi) khiến giới trẻ thích thú và tò mò thực hiện bởi cảm giác lâng lâng.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây thiếu máu não, ngưng tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Trò nghịch dại, đánh cược với tính mạng

Hiện nay, giới trẻ đang rộ lên trào lưu “bắt pen” trên mạng TikTok. Khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc phê pha. Nguyên nhân sâu xa của trào lưu “bắt pen” là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt để thoát khỏi sự buồn chán trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả vô cùng nguy hiểm, không thể lường trước được. Trào lưu này nguy hiểm tới tính mạng, bởi, mạch máu rất mềm, chỉ cần tìm đúng mạch, dùng tay ấn nhẹ thì máu sẽ ngừng lưu thông.

Nguy hiểm trào lưu 'bắt pen': đừng đùa giỡn tử thần!

Trào lưu “bắt pen” - giới trẻ đang đánh cược với tính mạng.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho hay, bản chất của trò chơi này là chèn ép động mạch cảnh, gây cản trở lưu lượng máu lên não, gây tắc nghẽn mạch cảnh 2 bên tạo cảm giác lâng lâng , “phê” giả tạo.

Ngoài cảm giác phê pha, lâng lâng, khi một người tiệm cận đến hơi thở cuối cùng, trò chơi có khả năng cản trở máu lên não, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ do thiếu máu não. Hành động này của giới trẻ đang đùa giỡn với chính sức khỏe, mạng sống của họ.

80% lượng máu nuôi não sẽ được vận chuyển qua 2 mạch cảnh trái và phải ở cổ. Hành động thực hiện ấn cổ vài giây sẽ không gây nguy hiểm, nhưng, nếu ấn lâu vào 2 động mạch cảnh thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng.

“Các tế bào não có thể bị tổn thương không thể phục hồi chỉ sau 5 phút thiếu máu. Hậu quả nghiêm trọng nhất có thể là đột quỵ, hoặc trong trường hợp xấu hơn, tử vong. Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh lý về tim mạch hoặc huyết áp có thể gặp hậu quả nghiêm trọng hơn, tử vong ngay lập tức nếu thực hiện hành vi này.

Ngoài ra, việc chèn ép động mạch cảnh có thể làm xuất hiện các cục máu đông (huyết khối), khi huyết khối di chuyển lên não sẽ gây ra đột quỵ” - bác sĩ Mạnh cảnh báo.

Có thể tổn thương não, ngưng tim

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam phân tích, khi ấn vào động mạch cảnh một cách đột ngột sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Đó là thiếu máu nuôi dưỡng não tạm thời, gây choáng váng, ngã vật ra. Và hành động này gây một phản xạ đối với động mạch cảnh (được bao bọc hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm), làm ngưng tim đột ngột.

Với những người có bệnh nền về tuần hoàn máu, khi thực hiện động tác "bắt pen" sẽ dễ hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Nguy hiểm trào lưu 'bắt pen': đừng đùa giỡn tử thần!

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trào lưu “bắt pen” là hành vi nguy hiểm không nên làm theo.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam lưu ý, giới trẻ tuyệt đối không được thực hiện hành động này. Ngay cả khi đùa nghịch, nếu chẳng may đánh trúng vào động mạch cảnh vùng cổ cũng rất nguy hiểm, có thể gây ngưng tim đột ngột. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ nhầm tưởng đây là cảm giác phê, xả stress...

Đây hoàn toàn không phải trò chơi để có thể mạo hiểm thử tìm cảm giác. Người dùng mạng xã hội cần nhận thức rõ ràng, hết sức tỉnh táo khi thử theo các trào lưu trên mạng. Đặc biệt, giới trẻ cần hết sức tỉnh táo trước các trào lưu, đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, hành vi “bắt pen cổ gây xỉu” là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội. Giới trẻ, học sinh tuyệt đối không thực hiện theo trào lưu “bắt pen”. Các bậc phụ huynh, thầy cô và nhà trường tăng cường giám sát, nhắc nhở học sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tags:
4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.11860 sec| 785.344 kb