Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa tiếp nhận một nam thanh niên 20 tuổi vào viện trong tình trạng tê bì toàn bộ chân tay bị yếu tứ chi vì hít 3 quả bóng cười mỗi ngày.
Ảnh minh họa.
Bệnh nhân cho hay, gần đây anh bị tê 2 chân trước, sau đó bị tê cả 2 cánh tay không thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ phát hiện nam thanh niên bị tổn thương tủy sống, yếu tứ chi.
Bác sĩ Lương Văn Chương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khám ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương tủy sống dẫn đến yếu tứ chi. Kết quả chụp cộng hưởng từ thấy tổn thương tủy ở vùng cổ.
Bệnh nhân phải điều trị thời gian dài, ít nhất là một tháng, bằng vitamin B12 kết hợp phục hồi chức năng.
Bóng cười là những quả bóng bay được bơm loại khí có công thức hóa học là N2O. Loại khí này khi hít vào cơ thể tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái.
Khí N2O vốn được ứng dụng trong y tế có tác dụng giảm đau, giải lo âu, tuy nhiên sử dụng quá liều sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tim mạch. N2O làm tổn thương thần kinh ngoại biên và ảnh hưởng chu trình chuyển hóa vitamin B12.
Theo bác sĩ Chương, người chơi bóng cười có thể bị rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, rối loạn cảm giác, liệt vận động, rối loạn giấc ngủ, tổn thương thần kinh trung ương... Sử dụng N2O ở nồng độ thấp, người dùng cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác. Khí N2O còn làm tổn thương vùng tủy cổ dẫn đến yếu tứ chi, tàn phế suốt đời. Đáng sợ là khí N2O gây ảo giác, có dấu hiệu tương tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện.
Năm 2019, Bộ Y tế cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép sản xuất với mục đích công nghiệp, không được sử dụng cho người trừ khi được bác sĩ chỉ định dùng trong y tế.