Nguyên nhân gây bệnh cước chân tay
Bệnh cước tay, chân cho đến này vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng các triệu chứng của bệnh đều liên quan mật thiết đến phản ứng của cơ thể với các điều kiện về khí hậu và môi trường lạnh ẩm. Hệ thống tuần hoàn của cơ thể bao gồm các mao mạch, tĩnh mạch và động mạch có chức năng mang máu đến hầu hết các tế bào của các cơ quan trong cơ thể và hệ thống này khá nhạy cảm với điều kiện nhiệt độ. Trong điều kiện khí hậu nóng bức, cơ thể sẽ mở rộng các mạch máu dưới da để nhiệt độ có thể tỏa vào không khí, từ đó giúp làm mát cơ thể. Ngược lại, khi khí hậu có nhiệt độ lạnh, thì hệ thống này sẽ co lại để bảo tồn và duy trì nhiệt độ của cơ thể. Sự co thắt này có thể khiến tổn thương các chi gây nên triệu chứng của bệnh cước tay, chân. Và trường hợp này thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với thời tiết lạnh.
Các biểu hiện của cước tay chân có thể trở nên tồi tệ hơn với sự thay đổi nhiệt độ nóng lạnh đột ngột. Chẳng hạn như khi đi vào nơi ấm áp sau khi ở ngoài trời lạnh rất lâu nhưng lại làm nóng bàn chân lạnh quá nhanh bằng cách đặt chân ngay sát cạnh lò sưởi hoặc sử dụng túi chườm nóng để lăn trực tiếp vào chân hoặc tay thì điều đó có thể làm bệnh thêm nghiêm trọng. Thay vào đó, thì để giảm bớt tình trạng của bệnh trước tiên nên làm nóng toàn bộ cơ thể.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Những người sống ở các khu vực có khí hậu lạnh khắc nghiệt thường ít bị mắc bệnh cước tay chân hơn. Bởi vì do vùng khí hậu này sẽ khô hơn, độ ẩm thấp hơn, và mọi người có sự chuẩn bị tốt để đối phó với thời tiết.
Các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn:
- Trong gia đình đã từng có người bị mắc bệnh cước tay chân, đặc biệt là cha mẹ và anh chị em ruột, thì có thể bạn cũng rất dễ bị mắc căn bệnh này và mức độ bệnh có thể nặng hơn
- Những người bị bệnh mạch máu ngoại biên do các yếu tố gây nên như đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng mỡ máu.
- Những người bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng do chán ăn, tâm thần không ổn định...
- Những người có sự thay đổi về hệ nội tiết, nhưng bệnh có thể sẽ được cải thiện nếu bạn mang thai
- Những người có bệnh liên quan đến mô liên kết, như hiện tượng Raynaud có thể khiến cho cơ thể bị lở loét, xơ cứng bì, hoặc lupus ban đỏ...
- Những người có mắc các chứng rối loạn xương tuỷ
- Những người sử dụng quần áo bó sát vào người khi thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt có thể khiến cho bệnh nặng hơn.
Một số phương pháp điều trị cước tay
Cước tay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Phần lớn, mục đích của các phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện này thường là điều trị triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ biến chứng.
Cách chữa cước tay chân ngay tại nhà
Với những trường hợp bệnh nhẹ, có thể khắc phục ngay tại nhà bằng những phương pháp sau:
- Giữ ấm cơ thể đặc biệt là các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Lưu ý, rửa sạch tay, chân và lau khô rồi mới đeo găng tay, đi tất.
- Không nên rửa tay, rửa chân bằng nước lạnh,
- Khi ra ngoài nên đi loại giày ấm, ôm kín và vừa vặn với chân.
- Điều trị bệnh cước bằng một số phương pháp dân gian:
+ Ngâm tay chân bằng gừng tươi và muối: Bạn sử dụng một củ gừng tươi khoảng 20g. Rửa sạch rồi giã nhỏ. Sau đó cho thêm một chút muối biển hạt to và đổ nước ấm vào hỗn hợp này, dùng để ngâm chân. Nên ngâm khoảng 15 phút và thực hiện 2 đến 3 lần mỗi tuần.
+ Ngâm tay bằng gừng tươi và quế chi: Bạn rửa gừng, đập nhỏ và cho khoảng 15g quế chi tạo thành hỗn hợp. Sau đó, đổ nước ấm vào để ngâm tay.
+ Ngâm tay bằng hỗn hợp cỏ xước và lá lốt: Chuẩn bị một nắm lá lốt và một nắm cỏ xước, rửa sạch và đun sôi với khoảng 1,5 lít nước. Khi nước sôi, bạn tắt bếp và cho thêm một chút muối. Chờ nước ấm là có thể ngâm tay được.
Chữa cước tay chân bằng thuốc
Đối với những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng, cần phải đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp với mục đích giúp giảm ngứa và chống phù nề hoặc một số loại thuốc giúp cải thiện lưu thông máu.
Bệnh nhân lưu ý, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp, cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường hay gặp phải tác dụng phụ, cần thông báo ngay với bác sĩ đề được xử trí kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa và hạn chế cước tay chân
Ngoài việc sử dụng thuốc đối với những trường hợp có kèm theo tình trạng nhiễm trùng thì người bệnh có thể thực hiện một số hoạt động sau đây nhằm giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh:
- Giữ ấm vùng da bị ảnh hưởng
- Không nên xoa bóp hoặc chà sát, chườm nóng trực tiếp ở những vị trí bị cước.
- Luôn giữ ấm cho tay, chân để phòng bệnh cước tay chân. Nên đi tất len hoặc cotton và lựa chọn những đôi giày ấm và vừa vặn với chân.
- Tránh tiếp xúc với những vùng khí hậu lạnh, ẩm. Nếu phải thường xuyên sinh hoạt và làm việc trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, thì cần chú trọng nhiều hơn đến việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng tay, chân và da mặt. Những vùng da này cần được giữ ấm, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và không để tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh.
- Nên ngâm tay vào nước ấm trong vòng vài phút và sau đó giữ ấm cho đôi tay.
- Ngâm tay chân bằng gừng tươi và muối: Dùng một củ gừng tươi khoảng 20g. Rửa sạch, giã nhỏ. Sau đó cho thêm một chút ít muối biển, đổ nước ấm vào. Dùng để ngâm chân khoảng 15-20 phút và thực hiện 2-3 lần mỗi tuần.
- Hạn chế cho tay chân tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hay các chất tẩy rửa.
- Khi tắm thì nên dùng nước ấm cùng các sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, lành tính, có thành phần dưỡng ẩm.
- Hạn chế gãi bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng vùng da bị cước để tránh nguy cơ bị trầy xước, bong tróc da.
- Cần bổ sung các thực phẩm có tác dụng sản sinh nhiệt lượng. Giúp cơ thể chống lại thời tiết giá lạnh khắc nghiệt như chất béo, tinh bột hay gia vị cay nóng.Tăng cường rau sạch và trái cây tươi giàu vitamin trong bữa ăn hằng ngày để tăng lượng hồng cầu trong máu.
- Thường xuyên tập thể dục để cải thiện sức khỏe, lưu thông máu tốt hơn. Đây không chỉ là thói quen giúp phòng chống nguy cơ bị bệnh cước tay chân vào mùa đông mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, phòng chống nhiều loại bệnh tật khác.