Khởi động trước khi di chuyển, vận động
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Khởi động luôn là bước quan trọng trước khi tập thể dục hoặc bắt đầu các hoạt động thể thao. Đây là cách giúp giảm nguy cơ hoặc ngăn ngừa đau khớp, vì trời lạnh khiến các khớp khó có thể vận động trơn tru.
Khởi động trước khi rời khỏi giường bằng các động tác nhẹ nhàng như duỗi tay và chân, xoay đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và cổ tay hoặc đứng dậy vươn vai sau khi ngồi quá lâu có thể làm nóng các khớp, giúp hạn chế đau khớp và té ngã đột ngột.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Tập thể dục thường xuyên là điều bắt buộc nếu muốn giữ cho khớp dẻo dai và không bị đau trong mùa đông. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội là "chìa khoá" để thúc đẩy lưu lượng máu, tránh bị cứng khớp, đau khớp.
Người bệnh khớp nếu không quen với thời tiết quá lạnh có thể tập thể dục trong nhà, tại các phòng tập, cũng là cách tốt để duy trì các khớp dẻo dai. Chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên duy trì ít nhất 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần nếu có thể.
Ăn nhiều cá béo
Cá hồi, cá thu và cá mòi là những loại cá béo thơm ngon và rất giàu axit béo omega-3. Bên cạnh các lợi ích về dinh dưỡng, những loại cá này còn giúp giảm viêm khớp và giảm đau do viêm. Dầu cá cũng chứa vitamin D3, có vai trò quan trọng với sức khỏe của xương. Bổ sung các loại cá béo trong chế độ ăn hàng ngày có thể giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cho hệ xương của bạn.
Bổ sung canxi
Giữ cho xương của bạn chắc khỏe trong mùa đông này bằng cách bổ sung các thực phẩm chứa canxi lành mạnh. Bên cạnh sữa và sữa chua, các nguồn bổ sung canxi thực vật khác cũng có lợi là rau lá xanh, cam...
Mang giày dép phù hợp
Nguy cơ té ngã phổ biến hơn vào mùa đông và nhiều người bị viêm khớp cho biết các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn vào thời điểm này. Nếu lo ngại về sức khỏe đôi chân và khả năng giữ thăng bằng vào mùa lạnh, hãy tránh đi giày cao gót nếu có thể. Theo Hiệp hội Viêm khớp Anh, giày cao gót không chỉ làm tăng khả năng bị ngã mà còn gây thêm áp lực cho chân và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp.
Hãy mang giày đế bằng, làm từ cao su, chắc chắn để có thể hỗ trợ tốt cho đôi chân khi di chuyển.
Giữ ấm khớp
Dù bạn có dễ bị đau khớp hay không thì việc giữ ấm cơ thể rất quan trọng. Khi cảm thấy lạnh và rùng mình, các cơ sẽ căng lên sau đó cứng lại, cảm thấy khó chịu hơn và dễ dẫn tới té ngã, chấn thương.
Mặc áo ấm hoặc dùng túi sưởi, mang vớ ấm khi đi ra ngoài sẽ giúp bảo vệ xương khỏi những mối nguy hiểm liên quan tới thời tiết lạnh.
Giữ nước và bổ sung chất điện giải
Thời tiết lạnh không bảo vệ bạn khỏi tình trạng mất nước. Khi mất nước, cơ thể sẽ khó duy trì nhiệt độ hơn. Bổ sung chất lỏng và chất điện giải sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt hơn. Hãy nhớ rằng cơ thể sử dụng nhiều năng lượng hơn nếu bạn hoạt động trong thời tiết lạnh. Nếu gắng sức quá mức, bạn có thể nhanh chóng bị mỏi cơ ảnh hưởng đến khớp.
Tắm nắng
Khi thời tiết đẹp, bạn nên tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn để thúc đẩy sự hình thành vitamin D và tăng hấp thu, sử dụng canxi để duy trì chất lượng xương trong cơ thể.
Chườm nóng
Hoạt động này có thể làm giãn mạch, cải thiện lưu thông máu cục bộ và thúc đẩy quá trình trao đổi chất tại chỗ. Chườm nóng cũng có thể làm giảm co thắt cơ, thư giãn dây thần kinh và cải thiện tính linh hoạt của gân.
Sử dụng chườm nóng khô hoặc chườm nóng ẩm đều có thể tạo được hiệu quả.
Ngâm tay, chân với nước nóng
Ngâm chân nước nóng có lợi cho việc phòng chống các bệnh về xương khớp.
Vào mùa lạnh, tốt nhất nên ngâm chân nước nóng sau khi đi ra ngoài, không chỉ giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh thấp khớp do môi trường ẩm ướt gây ra.
Khi ngâm, nên ngâm ngập ngang mức cổ chân, khoảng 20 phút để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu của chi dưới.