Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hay yếu tố thúc đẩy gây ra, làm nặng thêm một số bệnh ở con người. Các chất độc trong không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi, miệng, da và niêm mạc.
“Trong không khí ô nhiễm có các chất độc do phương tiện giao thông thải ra bao gồm: khí CO, SO2, NO2, benzen, chì, các kim loại nặng và một vài độc chất khác,... có thể gây hại ở một số cơ quan như mạch máu, tủy xương, lách, tim và phổi. Trong đó, hệ hô hấp và tim mạch dễ bị ảnh hưởng nặng nhất từ không khí ô nhiễm”, bác sĩ Vinh khuyến cáo.
Tổn hại đường hô hấp
Bác sĩ Vinh khẳng định, nhiều nghiên cứu đã xác định ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hô hấp ở mức độ cấp tính và mạn tính. Ở mức độ cấp tính, gây các triệu chứng như ho và khò khè. Ở tình trạng mạn tính, không khí ô nhiễm có thể dẫn đến hen suyễn, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
“Không khí ô nhiễm làm gia tăng bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và các triệu chứng dị ứng ở trẻ em; làm cho bệnh nhân hen và COPD dễ bị phát bệnh cấp và nhập viện nhiều hơn. Ung thư phổi cũng là một nguy cơ khi con người tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhất là từ khí thải của các phương tiện giao thông”, bác sĩ Vinh khuyến cáo.
Liên quan đến bệnh tim mạch, thần kinh
Theo bác sĩ Vinh, nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cũng đưa ra bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ giữa khói xe và bệnh tim mạch. Tiếp xúc khói xe ngắn hạn cũng liên quan tới thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp và cao huyết áp.
Chì có trong không khí ô nhiễm cũng tác động đến quá trình tạo máu bằng cách ức chế một số enzyme quan trọng, đồng thời gây tổn hại màng hồng cầu và làm rối loạn quá trình chuyển hóa bên trong tế bào, làm cho tế bào bị chết sớm, dẫn đến hậu quả là bệnh thiếu máu.
Bên cạnh đó, bác sĩ Vinh cho biết, không khí ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tâm thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương, thay đổi hành vi; ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ em. Ô nhiễm không khí có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm lý và mất cảm giác khỏe mạnh. Trong môi trường làm việc có nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu sẽ làm người tiếp xúc dễ cáu gắt, giảm hành vi giúp đỡ người khác.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết bụi mịn PM2.5 và khói độc tràn lan những ngày gần đây tại TP.HCM loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micro. Người dân có thể cảm nhận được nồng độ bụi mịn tăng lên khi trong không khí có một lớp "sương mù", giảm tầm nhìn.
Vì vậy, nếu phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến tư vấn người dân nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.
Còn theo bác sĩ Vũ, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường không thể lọc được bụi mịn. Chúng chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi.
Vì vậy, để ngăn được bụi PM 2.5, chuyên gia khuyến cáo cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 để sử dụng khi ra đường. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.
Bên cạnh đó, để hạn chế chất độc từ khói bụi đi vào cơ thể, người dân cần vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày. Các gia đình nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng.