Nguyên nhân không ngờ khiến chân bị lạnh
Xơ vữa động mạch
Gừng giúp chân tay không lạnh vào ban đêm. Nguồn ảnh: Internet
Xơ vữa động mạch là tình trạng mà các mảng bám cholesterol tích tụ bên trong thành động mạch. Các mảng bám này làm tắc nghẽn lưu thông máu. Nếu các mảng xơ vữa xuất hiện ở động mạch dẫn đến bàn chân thì có thể khiến chân bị thường xuyên bị lạnh, theo Insider.
“Khi những động mạch ở bàn chân bị tắc nghẽn, bạn có thể cảm thấy lạnh và đôi khi là đau bàn chân”, bác sĩ phẫu thuật chân Danielle DesPres, giảng viên tại Đại học y khoa New York (Mỹ), giải thích.
Những người có nguy cơ cao dễ bị xơ vữa động mạch là những người hút thuốc lá, mắc cao huyết áp, nồng độ cholesterol cao và lớn tuổi.
Tiểu đường
Có nhiều nguyên nhân khiến bàn chân lạnh ở người mắc tiểu đường. Nguyên nhân đầu tiên là tổn thương dây thần kinh. Bản thân bệnh tiểu đường không khiến bàn chân lạnh nhưng đường huyết cao thời gian dài sẽ gây tổn thương dây thần kinh.
Các thống kê cho thấy khoảng 50% người bị tiểu đường loại 2 có thể bị tổn thương dây thần kinh. Tỷ lệ này ở người tiểu đường loại 1 là 20%.
Nguyên nhân tiếp theo là lưu thông máu kém. Rất nhiều người bị tiểu đường gặp tình trạng này. Đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương niêm mạc các mạch máu, khiến mạch máu bị thu hẹp và cứng. Kết quả là làm giảm lưu thông máu đến chân, gây lạnh bàn chân.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên cũng là một trong các biến chứng của tiểu đường. Triệu chứng thường xuất hiện trước tiên là ở bàn chân lạnh. Người bệnh cũng có cảm giác ngứa ran, bỏng rát hay đau như bị kim chích vào bàn chân.
Ngoài tiểu đường, những vấn đề sức khỏe như bệnh gan, thận hay tiền sử gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng mà cơ thể tạo ra ít hồng cầu hơn bình thường. Nguyên nhân thường gặp là do thiếu sắt vì sắt là khoáng chất cần thiết để tạo ra hồng cầu.
Hồng cầu có chức năng đưa ô xy đi khắp cơ thể. Khi lượng hồng cầu trong máu giảm thì bàn chân và nhiều cơ quan khác sẽ không nhận đủ ô xy. Do đó, thiếu máu có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, trong đó có cả bàn chân lạnh, theo Insider.
Cách để chân không lạnh vào ban đêm
Ngâm chân bằng nước ấm
Ngâm chân trong nước ấm không chỉ giúp giảm đau mà còn giúp chúng ta đi vào giấc ngủ nhanh hơn vì kích thích tuần hoàn máu. Nhiệt độ nước thích hợp để ngâm chân là từ (36°C đến 38°C. Đây chính là phương pháp trị liệu bằng nước cho bàn chân lạnh.
Mọi người nên ngâm chân trong nước ấm từ khoảng 10 đến 15 phút sau đó dùng khăn lau khô rồi bôi kem dưỡng ẩm.
Uống trà gừng
Gừng có tác dụng giúp lưu thông máu và làm ấm cơ thể. Vào mùa đông nhiều người thường uống trà gừng để giúp cơ thể ấm hơn và chúng ta cũng có thể uống trà gừng để giúp đôi chân không còn bị lạnh vào ban đêm.
Cách làm đơn giản là mọi người chỉ cần đun sôi nước sau đó cho thêm 3 đến 4 lát gừng rồi tiếp tục đun sôi khoảng 10 phút. Cuối cùng chỉ cần chắt ra cốc rồi thưởng thức.