Thứ 6, 22/11/2024, 15:48 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Còn 1,5 triệu con lợn đang chờ được 'cứu'

Còn 1,5 triệu con lợn đang chờ được 'cứu'
(Tieudung.vn) - Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban thảo luận các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, do Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.

Đã tiêu thụ trên 200.000 tấn

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến đầu tháng 5.2017, giá lợn vẫn ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Có nơi, người chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ chỉ bán được với giá khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg lợn hơi, nên mỗi con lợn, người chăn nuôi chịu lỗ từ 1-1,5 triệu đồng.

Theo tổng hợp nhanh từ các địa phương, hiện còn một lượng lợn hơi khá lớn đang tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi, trọng lượng mỗi con 100 – 120kg, tính ra lượng thịt lợn hơi đang tồn đọng khoảng 200.000 tấn.

Về số đầu lợn còn tồn trong dân, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Đến ngày 17.5, số đầu lợn còn tồn khoảng 1,5 triệu con. Trong những ngày qua, chúng ta đã giải quyết được khoảng 200.000 - 250.000 tấn lợn. Đây là kết quả rất tốt, chúng tôi kỳ vọng trong tháng 5 và 6 sẽ tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn nữa”.

Mô tả ảnh
   Gia đình anh Hoàng Văn Điền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) chăm sóc đàn lợn trong tình cảnh giá lợn hơi giảm sâu. ảnh: Trần Quang

Hà Nội và Đồng Nai được đánh giá là 2 địa phương đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm giải cứu lợn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết:  Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các doanh nghiệp (DN), trang trại để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, sau đó thống nhất hành động.

Theo đó, DN thức ăn hỗ trợ ứng trước thức ăn và 10% cho các hộ nuôi; DN thu mua, chế biến tăng cường thu mua với giá cao, đồng thời giảm giá bán. Một số công ty đang cam kết thu mua lợn hơi với số lượng lớn, tiêu biểu như Công ty Thái Dương sẽ thu mua 20.000 con, các công ty khác đều cam kết thu mua từ 2.000 -  4.000 con. Các DN cũng cam kết bán giá thịt lợn ra thấp hơn các chợ truyền thống...

“Đối với các cơ sở sản xuất giống, chúng tôi đề nghị giảm lợn nái, tăng chất lượng nái, làm sao giảm đàn nhưng vẫn tăng trưởng tốt. Thành phố đã đề nghị Ngân hàng NNPTNT khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay ưu đãi với các DN, hộ nuôi lợn; tích cực phối hợp các quận, huyện tuyên truyền các trường học, khu công nghiệp tăng cường sử dụng sản phẩm thịt lợn. Đồng thời thành phố đã quyết định hỗ trợ vaccine phòng bệnh cho các hộ chăn nuôi, hỗ trợ tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, giảm nguy cơ dịch bệnh thấp nhất” – ông Đăng nói.

Mô tả ảnh
Để cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương rà soát, quy hoạch lại đàn lợn nái. Ảnh minh hoạ

Đánh giá về tình hình chăn nuôi hiện nay, Cục Chăn nuôi cho rằng đa phần người nuôi dù nhỏ lẻ hay quy mô trang trại thì vẫn tự sản xuất là chính, từ con giống, nuôi lớn cho tới khi xuất bán ra thị trường hầu hết thông qua thương lái. này đang bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh hiện nay.

Nghịch lý ở đây là dù giá bán tại chuồng, cổng trại xuống rất thấp, nhưng giá bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người thì vẫn ở mức cao (chỉ giảm khoảng 10-15% so với lúc giá lợn hơi cao, tức khoảng 70.000-90.000 đồng/kg tùy loại thịt). Có nghĩa là không mua được thịt giá rẻ, người chăn nuôi thì lỗ vốn, trong khi phần chênh lệch do thương lái, khâu lưu thông trung gian hưởng.

Đã đến lúc cần Luật Chăn nuôi

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải có Luật Chăn nuôi, đây là vấn đề rất cấp thiết cần được thảo luận không chỉ ở cuộc họp này mà còn nhiều cuộc họp liên quan khác.

Ông Nguyễn Nhân Lừng – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Bắc Ninh lý giải: “Chúng ta phải có Luật Chăn nuôi để quản lý chặt chẽ hơn, trong đó cần quy định các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng này được phép nuôi với quy mô như thế nào, bao nhiêu trang trại, nguồn nhập nguồn xuất ra sao... Hiện chăn nuôi lợn rất khó quản lý, dẫn đến tình trạng tăng trưởng nóng đến mức không kiểm soát được”.

Điển hình là tỉnh Vĩnh Phúc, theo ông Bùi Như Ý – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, năm 2016 tổng đàn lợn nái tại đây đã tăng 62% so với năm 2015. Hầu hết các gia trại, trang trại đều tăng đàn gấp đôi so với năm 2015. Vì vậy hiện nay Vĩnh Phúc vẫn còn 33.000 con lợn quá lứa (130-140kg/con) chưa tiêu thụ được.

Đồng tình cao với đề xuất ban hành Luật Chăn nuôi, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội thừa nhận: “Việc kiểm soát tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ 2015 – 2016, TP.Hà Nội đã tăng 400.000 con lợn, chủ yếu là chăn nuôi tự phát, không theo quy hoạch. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nếu các DN, hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi không theo quy hoạch, ảnh hưởng môi trường chúng tôi sẽ quyết liệt cho dừng chăn nuôi”. 

Giá lợn hơi hiện nay đã có xu hướng nhích lên, dù chưa nhiều. Theo báo cáo sơ bộ, giá lợn đang tăng ở tất cả các khu vực, có nơi tăng 8.000 - 9.000 đồng/kg, cũng có nơi mới tăng khoảng 2.000 đồng/kg. Xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi để họ vững tâm với nghề”.

Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.28506 sec| 801.023 kb