Đền bù theo đề xuất của địa phương
Sau khi có quyết định thu hồi đất số 2666 ngày 27/6/2002 (quyết định thu hồi đất lần thứ nhất quy mô 804ha, đã phản ánh trong bài 1), tiếp đó ngày 23/7/2002 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 3022/QĐ-UB về việc điều chỉnh, di chuyển các hộ dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức khác và đền bù, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư trong khu quy hoạch xây dựng Khu CNC tại quận 9.
Tiếp đó, ngày 1/11/2002, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-UB ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tái định cư… Tại điều 2 của Quyết định 121 có quy định: “Hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng của dự án có trách nhiệm lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cụ thể báo cáo Hội đồng thẩm định đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng của thành phố thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt để thực hiện…”.
![]() |
Do không có phương án bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật nên những hộ dân có đất bị thu hồi hơn chục năm qua giờ vấn phải sống cơ cực tại những nơi tạm cư thế này! |
Mặc dù có những quy định rất cụ thể nhưng đến khi thực hiện Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND quận 9 lại thực hiện theo một quy trình khác chứ không theo quy định của pháp luật và cũng không theo Điều 2 của Quyết định 121 do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành.
Theo quy định hiện hành tại thời điểm thu hồi đất xây dựng Khu CNC, quận 9, TP Hồ Chí Minh, việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư được thực hiện theo Điều 32 và điều 34 Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998. Theo đó, tất cả các dự án khi bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư… đều phải lập phương án theo quy định.
Mặt khác, trong 3 quyết định thu hồi đất của UBND thành phố (tổng cộng là 913ha) có quyết định 2193, ngày 19/5/2004 thu hồi 102 ha đất quá sát thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (1/7/2004) khiến người dân bức xúc nghĩ rằng thành phố thu hồi đất chạy luật. Trên thực tế, khi thành phố thu hồi đất bổ sung lần thứ 3 quy mô 102 ha đất chưa có sự cho phép của Chính phủ. Nếu thành phố thực hiện đúng các trình tự của pháp luật quy định, xin chủ trương của Chính phủ trước, sau đó mới thu hồi thì chắc chắn thời điểm thu hồi sẽ sau thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát khiếu nại, tố cáo của người dân có đất bị thu hồi trong dự án Khu CNC, quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Các cơ quan chức năng nói gì?
Trong giải trình gửi cho Thanh tra Chính phủ, UBND quận 9 giải thích cho rằng sở dĩ không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư như quy định là vì:
Thứ nhất, sau khi thành phố có quyết định thu hồi đất lần thứ nhất, UBND quận 9 đã có tờ trình số 1264 (ngày 4/10/2002) gửi UBND thành phố, Hội đồng thẩm định thành phố đề xuất các khung giá để bồi thường đối với từng loại đất cụ thể.
Thứ hai, các nội dung đề xuất của UBND quận 9 trong tờ trình 1264 đã được UBND thành phố đưa vào Quyết định 121 về việc ban hành quy định về đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong trong khu quy hoạch xây dựng Khu CNC.
Thứ ba, giai đọan đầu triển khai dự án, Ban quản lý Khu CNC căn cứ vào quyết định 121 của UBND thành phố. Mặt khác, chủ tịch UBND thành phố lúc đó là ông Lê Thanh Hải đã giao cho UBND quận 9 chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng của dự án Khu CNC, kể cả việc việc nhận vốn, chi trả, thanh quyết toán với ngân sách thành phố….
Còn Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh thì biện bạch về việc vì sao không lập phương án đền bù: “Dự án Khu CNC có đặc thù là quy mô thu hồi đất lớn, số hộ dân bị giải tỏa nhiều nên cùng lúc không thể điều tra hiện trạng, xác minh nguồn gốc pháp lý sử dụng nhà, đất, công trình và lập dự toán đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho toàn bộ số hộ bị ảnh hưởng…!”
Nói tóm lại, việc đền bù giải tỏa, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư dự án xây dựng Khu CNC tất tần tật đều thực hiện theo đề xuất trong tờ trình 1264 của UBND quận 9 và sau đó được đưa vào quyết định 121… Theo khiếu nại của người dân, việc UBND thành phố, UBND quận 9, Ban quản lý Khu CNC, Hội đồng thẩm định thành phố… tùy tiện áp dụng chính sách mà không lập phương án bồi thường theo quy định của pháp luật là sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Khu Công nghệ cao, quận 9: TP Hồ Chí Minh “sửa sai” tăng kinh phí bồi thường thu hồi đất!
(Tieudung.vn) - Sáng nay (ngày 11/7), HĐND TP Hồ Chí Minh đã khai mạc kỳ họp lần thứ 15, khoá IX, trong 18 tờ trình của UBND TP, có nội dung điều chỉnh tăng tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở Khu công nghệ cao (CNC) với tổng số tiền 1.471 tỷ đồng. |