Cứ khiếu nại" nhưng phải "chấp hành bàn giao mặt bằng" (?)
Như Tieudung.vn đã thông tin: Từ 30/6/2004, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua đã ký Quyết định 3243 về "tạm giao" trên 324.000 m2 tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 (không thấy đính kèm bất cứ thống kê nào về số lô thửa, bản vẽ hiện trạng, số hộ dân cư ngụ, sản xuất…) cho Công ty 7/5 thực hiện dự án khu dân cư.
Ảnh: Khu đất 32,4ha ngàn tỉ có biển báo "Khu vực quân sự" sai thực tế. |
Cũng mảnh đất này, tới 25/6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định 3066 về "Chấm dứt tạm giao 324.000m2 đất cho Công ty 7/5" để "Giao 321.301m2 đất cho Công ty TNHH A Sung". Đáng chú ý, Công ty 7/5 đã bị Bộ Quốc phòng giải thể cuối năm 2014; Công ty TNHH A Sung ra đời năm 2013, vốn điều lệ 1 tỉ đồng, chuyên về giáo dục.
Cuối cùng, lô đất 32,4ha có giá trị hàng ngàn tỉ đồng từ diện "tạm giao" cho doanh nghiệp quân đội đã về tay doanh nghiệp "vỏ nội, ruột ngoại" không qua đấu giá; doanh nghiệp không trực tiếp thỏa thuận với người dân sinh sống, sản xuất trên đất như luật định.
Với rất nhiều khúc mắc chưa được làm rõ về "tạm giao", "giao đất", năng lực doanh nghiệp, yếu tố nước ngoài…, UBND Quận 9 đã có dấu hiệu vội vàng trong thực hiện cưỡng chế đất cho doanh nghiệp ngay trong chính biên bản tiếp xúc với người dân.
Cụ thể, ngày 15/12/2016, UBND Quận 9 gồm Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng Đội TTQLĐT Trần Văn Mau, Phó Ban BTGPMB Trần Hùng… đã làm việc với các hộ dân ở địa chỉ 126/4 khu phố Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ để vận động bàn giao mặt bằng.
Trả lời của UBND Quận 9 về vấn đề cắm mốc ranh khi tiếp xúc với người dân. |
Ý kiến của hộ ông Vũ Văn Cường ghi rõ: "Tại sao phần đất này trước đây là dân sự, bây giờ lại là đất quốc phòng?; Đề nghị xem lại việc cắm mốc ranh đúng chưa?"
Phía UBND Quận 9 đã trình bày các căn cứ pháp lý. Riêng nội dung cắm mốc ranh, "UBND Quận 9 không thực hiện việc cắm mốc ranh do đó không trả lời nội dung này." (!?)
Chính quyền một mặt ghi nhận các ý kiến, một mặt thì: "Nếu các hộ vẫn chưa rõ thì đề nghị tiếp tục khiếu nại… Tuy nhiên, đề nghị chấp hành bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai" (!?)
Và thực tế, khi vấn đề ranh mốc chưa được làm rõ, việc UBND Quận 9 liên tục thông báo cưỡng chế đã khiến nghi vấn "cưỡng chế lố" như tại Thủ Thiêm được đặt ra.
Quyền lợi của người dân đã bị tước bỏ như thế nào?
Khi UBND Quận 9 gạt ông Vũ Văn Cường, người có khoảng 3.000m3 đất và tài sản trên đất tại 126/4 khu phố Giãn Dân ra khỏi danh sách được bồi thường, hỗ trợ khi "tạm giao" rồi "giao đất" cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở, ông Vũ Văn Cường đã khởi kiện UBND Quận 9 ra tòa.
Nhà thờ tổ tiên trên đất mà ông Vũ Văn Cường khiếu nạit việc thu hồi ngoài ranh dự án ban đầu. |
Cụ thể, ông Cường khởi kiện yêu cầu UBND Quận 9 hủy toàn bộ nội dung văn bản 1920/UBND-BBT ngày 26/7/2016 về "trả lời đơn yêu cầu bổ sung tên trong các quyết định" và đề nghị UBND Quận 9 đưa ông vào danh sách thu hồi bồi thường hỗ trợ, tái định cư và giải tỏa theo quy định pháp luật.
Về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất:
Năm 1979, ông Hoàng Xuân Lịch (trú ấp Giãn Dân) được địa phương hướng dẫn khai hoang 5.280m2 đất thuộc một phần lô số 10, tờ bản đồ số 5, ấp Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ.
Ngày 1/8/1992, ông Lịch chuyển giao lại toàn bộ 5.280m2 đất trên cho địa phương, địa phương giao lại cho ông Phan Như Hải theo "họa đồ vị trí" do chính quyền đo vẽ. Ông Hải đã xây dựng nhà ở, đăng ký hộ khẩu từ 1993, đăng ký nhà đất từ 1999 và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Gia đình ông Cường vẫn sinh sống, sản xuất trên đất gần 20 năm qua (nhà ở, nhà nuôi yến, nhà thờ tổ tiên vẫn còn, riêng xưởng sản xuất của ông Cường đã bị cưỡng chế). |
Ngày 29/12/2000, ông Hải chuyển nhượng giấy tay cho ông Vũ Văn Cường phần đất diện tích 3000m2, trên đất có 1 nhà ở và nhà xưởng do ông Hải tạo lập từ 1994. Sau khi mua đất, ông Cường đã được Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh xưởng gỗ xuất khẩu năm 2002. Ngoài xưởng gỗ, ông còn xây dựng 1 nhà thờ tổ tiên, 2 nhà ở và 1 nhà xưởng mới, thực hiện quản lý, sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Trong bản án ngày 31/8/2018, TAND TP Hồ Chí Minh nhận định: Căn nhà của ông Vũ Văn Cường phải được xem xét hỗ trợ; UBND Quận 9 cho rằng ông Cường không có tài liệu, giấy tờ hợp pháp hợp lệ xác nhân khu đất trên do ông Cường quản lý sử dụng một phần từ 2001 đến nay là chưa đúng với thực tế sử dụng đất, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của ông Cường.
Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Văn Cường. |
Do đó, tòa quyết định: Huỷ văn bản 1920/UBND-BBT về việc trả lời đơn yêu cầu bổ sung tên trong các quyết định (ông Cường yêu cầu bổ sung tên vào các quyết định liên quan tới thu hồi, cưỡng chế đất nhưng không được đáp ứng - PV).
Ông Cường đặt nghi vấn: "UBND Quận 9 chưa tiến hành đầy đủ các thủ tục xác minh, đo đạc, xác định tài sản trên đất, mức hỗ trợ… mà vẫn quyết tâm cưỡng chế tới cùng, thì sau này lấy cơ sở nào để xác định giá trị bồi thường cho tôi nếu cơ quan thanh tra, tòa án xác định là thu hồi sai, thu hồi lố? Tòa đã tuyên án, cớ sao cứ lăm le cưỡng chế? Vì động cơ gì?"
Cần kiểm tra ranh đất và trả lại đất cho dân nếu cưỡng chế "lố"
Về việc UBND TP Hồ Chí Minh giao đất cho doanh nghiệp "vỏ nội, ruột ngoại" làm dự án nhà ở và xác định đất "thuộc diện nhà nước thu hồi" có cần phải được hủy quyết định giao đất, đấu giá lại, xác định lại bản chất dự án (lợi ích quốc gia hay thuần kinh doanh bất động sản - PV),… hay không sẽ cần được thanh kiểm tra làm rõ.
Tuy nhiên, riêng việc áp giá bồi thường, tổ chức cưỡng chế, có thể thấy ngay những bất ổn.
UBND Quận 9 áp giá bồi thường căn cứ các quy định từ 2004, 2005, 2006 và tổ chức cưỡng chế vào năm 2015 (ngay khi Công ty A Sung được UBND TP.HCM công nhận là chủ đầu tư và nhận quyết định giao đất) liệu có hợp lý? |
Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Văn Oai, trú 126A khu phố Giãn Dân, Phường Long Thạnh Mỹ. Diện tích đất ông Oai khiếu nại có nguồn gốc khai hoang, sử dụng từ năm 1976. Ông Oai đã thực hiện kê khai, đăng ký nhà đất năm 1999, làm thủ tục nhập khẩu... Tuy nhiên, năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh ký "tạm giao" đất cho Công ty 7/5 đã không xác định cụ thể số thửa, tờ bàn đồ, ranh giới đất ngoài thực địa, thực tế gia đình ông Oai vẫn sử dụng (như văn bản của Thanh tra Bộ TN&MT ngày 9/8/2018).
Bất ngờ, ngày 14/7/2015, UBND Quận 9 ban hành quyết định 199/QĐ-UB để cưỡng chế 6.963,4m2, nhưng theo ông Oai, thực tế đã cưỡng chế khoảng 8.000m2 đất của gia đình ông, cưỡng chế thêm cả nhà, đất của 02 em ông vốn nằm ngoài quyết định cưỡng chế (?!).
Văn bản gửi UBND TP.HCM của Thanh tra Bộ TN&MT về trường hợp ông Nguyễn Văn Oai. |
"Họ bồi thường 231 triệu đồng, trong khi cưỡng chế khoảng 12.000m2 đất của tôi và các em tôi. Như vậy, giá bồi thường còn chưa được 20.000 đồng mỗi m2 đất, không đủ 01 tô phở. Đây là dự án kinh doanh bất động sản thuần túy, chính quyền khi giao đất phải buộc doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường, tái định cư với người dân theo Luật đất đai 2013…", ông Oai uất ức.
Cũng theo ông Oai, việc UBND Quận 9 tiến hành thu hồi đất và bồi thường với mức giá áp đặt là 105.000 đồng/m2, mỗi hộ tối đa chỉ được bồi thường 2.000m2, diện tích vượt không xem xét là trái luật, bất công và có dấu hiệu trục lợi chính sách, nhóm lợi ích cần được làm rõ.
Người dân khu phố Giãn Dân khiếu nại về thu hồi đất tại Khu công nghệ cao và Khu dân cư 7/5 từ tạm giao cho doanh nghiệp quân đội, nay về tay công ty có tên A Sung do người nước ngoài đứng tên. |
Ông Oai nhấn mạnh: "Thành phố cần nhớ rằng nơi chúng tôi sinh sống, sản xuất, canh tác có tên là Khu Giãn Dân - tức là người dân được chính quyền hướng dẫn khai khẩn, định cư để giãn dân. Người dân sinh sống, canh tác, sản xuất ổn định, lâu dài trên khu vực từng hoang hóa này là chủ trương đúng đắn của thành phố. Như vậy, thành phố cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân, không thể vì lợi ích của một doanh nghiệp, một nhóm người!"
Về Công ty TNHH A Sung. Doanh nghiệp này đăng ký lần đầu vào 23/9/2013, vốn điều lệ 1.000.000.000 đồng; thành viên góp vốn gồm ông Trần Ngọc Thổ (100.000.000 đồng) và bà Trần Thị Oanh Oanh (900.000.000 đồng). Ông Thổ là Giám đốc. Công ty TNHH A Sung sau nhiều lần thay đổi, vốn điều lệ được nâng lên 250.000.000.000 đồng. Tới 6/7/2016, thành viên mới là Công ty Tae Kwang Vina Industrial (đóng tại Đồng Nai) xuất hiện, thay bà Oanh nắm giữ 225.000.000.000 đồng (90%) vốn điều lệ. Giám đốc vẫn là ông Thổ. Tới 22/2/2017, Công ty TNHH A Sung đăng ký thay đổi lần thứ 5, đại diện pháp luật thay ông Trần Ngọc Thổ là ông Lee Hyung Jin (quốc tịch Hàn Quốc). |
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.