Đó là ý kiến của Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), khi trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa có kết luận thanh tra được công bố vào ngày hôm qua (26/6/2019) mà dư luận đang quan tâm đặc biệt.
Luật sư Trần Đình Dũng |
PV: Kết luận thanh tra (KLTT) những sai phạm tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm vừa được công bố được dư luận đặc biệt quan tâm, luật sư có ý kiến như thế nào về phần kiến nghị của kết luật thanh tra?
Luật sư Trần Đình Dũng: KĐTM Thủ Thiêm nhiều năm nay là điểm “nóng” về khiếu nại thu hồi đất, dư luận đặc biệt quan tâm, liên quan đến không ít cán bộ ở địa phương TP Hồ Chí Minh. Đây là “điểm nóng” mà Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phải thanh tra toàn diện để công bố các sai phạm và xử lý nghiêm theo qui định pháp luật.
Tôi cũng vừa đọc xong KLTT, trong KLTT đã chỉ rõ nhiều sai phạm xảy ra tại KĐTM Thủ Thiêm. Tôi thấy những sai phạm tại KĐTM Thủ Thiêm có căn cứ để khởi tố hình sự. Tôi bất ngờ vì Thanh tra Chính phủ không kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Luật sư có thể cho biết rõ, sai phạm có dấu hiệu để khởi tố hình sự như thế nào?
Kết luận thanh tra nêu ra nhiều sai phạm. Trong đó, đáng chú ý là hành vi không đưa vào đấu thầu dự án, đấu thầu trị giá để giao quyền sử đất mà tự giao theo hình thức đất đối ứng cho các dự án BT chỉ định thầu toàn bộ quĩ đất của KĐTM Thủ Thiêm. Hành vi này là vi phạm nghiêm trọng việc quản lý sử dụng đất đai. Ngoài ra, còn có hành vi thu hồi vượt ra ngoài ranh qui hoạch 4,3 ha và hành vi hơn 23 ha đất thành phố giao cho một số doanh nghiệp nhưng vẫn đưa vào phần qui hoạch KĐTM Thủ Thiêm để “lừa” Thủ tướng phê duyệt.
Những hành vi này đã vi phạm pháp luật hình sự qui định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 1999 về Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (nay là Điều 229 BLHS 2015). Theo đó, “Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật…”. Nên việc cá nhân những cán bộ quản lý sử dụng đất đai như nhận định của kết luận thanh tra là vi phạm qui định của bộ luật hình sự.
Người dân bức xúc phản ánh những sai phạm tại KĐTM Thủ Thiêm với các đại biểu Quốc hội. |
Có phải thanh tra còn quá “nhẹ nhàng” khi kiến nghị như vậy, thưa luật sư?
Trong phần xử lý trách nhiệm của phần kiến nghị, chỉ nêu lên ba phần, gồm: Chuyển hồ sơ lên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng; Giao thành phố chỉ đạo kiểm tra xử lý; Yêu cầu khắc phục hậu quả kinh tế và nếu không khắc phục trước ngày 31/12/2019 thì chuyển cơ quan điều tra xem xét.
Nên nhớ, kiến nghị trong KLTT không phải là kết luận chỉ theo ý chí đoàn thanh tra, mà nó đã được luật hóa tại Điều 50 Luật thanh tra năm 2010, trong đó nêu rõ phần kiến nghị biện pháp xử lý, dựa trên tính chất, mức độ vi phạm đã được xác định rõ trong kết luận thanh tra.
Biện pháp xử lý của KLTT khi kiến nghị được hiểu là kiến nghị xử lý hình sự, xử lý hành chính, xử lý buộc thực hiện nghĩa vụ khắc phục, chuyển trả lại tài sản hoặc nộp bổ sung tài sản.
Tôi cho rằng với nhận định sai phạm như trên tại KĐTM Thủ Thiêm mà phần kiến nghị trong KLTT lại không kiến nghị chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố hình sự là chưa tương xứng với mức độ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân liên quan.
Nhưng KLTT có nêu yêu cầu khắc phục hậu quả trước ngày 31/12/2019 và nếu không thì sẽ “chuyển cơ quan điều tra xem xét”?
Đối với hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra, nếu mức độ nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm thì phải kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố, chứ không phải gia hạn khắc phục hậu quả để xem xét lại hành vi. Kiến nghị là nguồn tố giác tội phạm và cơ quan điều tra phải xem xét theo qui định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự. Nên kiến nghị của KLTT phải theo nguyên tắc xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân và biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)