Định giá đất Thủ Thiêm 32 triệu đồng/m2
Năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 vào đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7. Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài khoảng 2.160 m bao gồm 6 làn xe, tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng. UBND TP đề xuất triển khai dự án theo hình hợp đồng BT. Trong văn bản kiến nghị về việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, UBND TP cũng đề xuất được chỉ định nhà đầu tư là một Liên danh (tạm gọi là liên danh PBI)
Nếu không bị Bộ Kế hoạch & Đầu tư bác, thành phố định giá quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 32 triệu đồng/m2 để làm cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư. |
Cũng giống như một số dự án BT giao thông khác, tại thời điểm đề xuất xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, thành phố dự định dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư sẽ ứng trước vốn để thi công công trình cầu Thủ Thiêm 4. Theo đề xuất của thành phố, dự kiến đổi 2 khu đất tại quận 1 và quận 3, quỹ đất thuộc cảng Tân Thuận (sau khi di dời cảng) cùng với 13 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận Thủ Đức cho nhà đầu tư để đổi một cây cầu trị giá 5.200 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý, trong 13 lô đất, có 11 lô thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng diện tích lên đến gần 100.000m2 (10ha). Theo UBND thành phố tại thời điểm đó, 11 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá trị ước tính khoảng 3.201 tỷ đồng (tính bình quân khoảng 32 triệu đồng/m2). Đây là giá rất thấp so với giá trị thực tế trên thị trường, thậm chí là một mức giá quá phi lý.
Đấu thầu công khai, dự án BT có còn hấp dẫn đại gia?
Bộ Kế hoạch Đầu tư được Chính phủ giao thẩm định dự án BT cầu Thủ Thiêm 4. Sau khi thẩm định Bộ Kế hoạch Đầu tư đã không đồng tình và yêu cầu thành phố giải trình bổ sung về tính cấp thiết của việc đầu tư cầu Thủ Thiêm 4; vì sao phải chỉ định thầu vì dự án cầu Thủ Thiêm 4 không đủ điều kiện để chỉ định thầu, Thành phố tiếp tục có giải trình bổ sung và tiếp tục kiên trì kiến nghị chỉ định thầu. Sau đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chính thức có phản hồi rằng các giải trình bổ sung của thành phố không có gì mới so với các đề xuất cũ. Như vậy, dự án BT cầu Thủ Thiêm 4 theo đề xuất chỉ định thầu cho liên danh PBI chính thức bị khai tử.
Giữa năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm công bố công khai thông tin Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) để các nhà đầu tư quan tâm, đăng ký nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (BCNCTKT). Theo chỉ đạo của thành phố, trong trường hợp có từ 2 đơn vị đăng ký nghiên cứu trở lên sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định. BCNCTKT đạt kết quả tốt nhất sẽ được lựa chọn, để làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đối với Liên danh PBI (là Liên danh xin thực hiện dự án BT cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức chỉ định thầu và thành phố thanh toán bằng quỹ đất) nếu quan tâm đăng ký thì giao cho liên danh này lập BCNCTKT Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và di dời cảng Tân Thuận.
Sau khi dự án đối tác công tư cầu Thủ Thiêm 4 được đưa ra đấu thầu, gần như nó không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã chính thức có yêu cầu tạm dừng dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư để chờ chính sách mới, vì vậy tất cả các dự án BT dùng quỹ đất để thanh toán đều phải dừng lại.
Phía sau những dự án BT tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Nhiều Dự án BT ngàn tỷ được giao không đấu thầu, đấu giá
(Tieudung.vn) - 90 % các dự án xây dựng hạ tầng theo phương thức BT (xây dựng – chuyển giao) được các địa phương chỉ định thầu không thông qua đấu thầu theo quy định. Việc thanh toán cho các nhà đầu tư, chủ yếu bằng quỹ đất được thực hiện theo phương thức tự định giá chứ không đưa ra đấu giá. Đây là lỗ hổng dẫn đến việc thất thoát công sản thông qua việc định giá tài sản chủ yếu là quỹ nhà đất công quá thấp so với giá trị thực tế, làm lợi “khủng” cho nhà đầu tư. Phía sau những dự án BT này là gì? Và có hay không những lợi ích nhóm…? |
Phía sau những dự án BT tại TP Hồ Chí Minh - Bài 2: 14,8 ha “đất vàng” đổi lấy 3,3 km đường giao thông
(Tieudung.vn) - TP Hồ Chí Minh dùng 14,8 ha “đất vàng” trên địa bàn quận 2 để đổi lấy 3,3 km đường giao thông, trong khi dự án đường giao thông này được đánh giá là chưa cấp thiết. Trình tự, thủ tục để thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng cũng như việc chọn lựa nhà đầu tư này được thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt cũng là việc chưa thoả đáng. |
(Còn nữa)
Nhóm PV TP.HCM