Dự án BT có tốc độ nhanh bất thường
Ngày 8/9/2016 UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư đường song hành nối từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 tại nút giao An Phú. Tuyến đường này chạy dọc theo cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BT.
Về quy mô, dự án này chỉ gồm 2 đoạn đường chạy phía bên phải tuyến cao tốc và 3 cây cầu. Trong đó, đoạn đầu có chiều dài 2,7 km, nối từ đường Mai Chí Thọ ở quận 2 đến đường Đỗ Xuân Hợp ở quận 9; đoạn còn lại có chiều dài 617m, nối từ đường vành đai 2 với đường D11. Tuyến song hành được thiết kế rộng 20m với 4 làn xe; trên tuyến, nhà đầu tư xây dựng 3 cây cầu gồm cầu Bà Dạt, cầu Bà Hiện, Cầu Mương kênh cũng như xây dựng, cải tạo nút giao An Phú và lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật đồng bộ.
3,3 km đường giao thông này được đánh giá là chưa cấp thiết, lượng xe ô tô lưu thông trên đường này không nhiều. |
Tiếp đó, ngày 10/10/2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, phương án lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án xây dựng tuyến đường song hành này. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 869 tỷ đồng; hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 2 năm, từ năm 2016 đến 2018.
Ngày 28/4/2017, UBND thành phố đã ký hợp đồng với liên danh công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP bất động sản Tiến Phước để thực hiện dự án. Chỉ sau khi được ký hợp đồng đúng 1 ngày, vào ngày 29/4/2017 dự án đã được liên danh trên cho khởi công.
Một số vấn đề được đặt ra đối với dự án BT có tốc độ triển khai nhanh bất thường này. Thứ nhất, vì sao Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc được lựa chọn trở thành nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt với dự án này?
Thứ hai, thành phố ra quyết định chọn Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc để thực hiện dự án BT nhưng khi ký hợp đồng lại ký với với liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP BĐS Tiến Phước
Đường đi lòng vòng của quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư
Ngày 13/10/2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định giao đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy quỹ đất dùng để thanh toán cho dự án BT có một hành trình lòng vòng. Theo thỏa thuận ngày 20/6/2017 giữa UBND TP Hồ Chí Minh với liên danh nhà đầu tư dự án và Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương về thỏa thuận tiếp nhận đất do thành phố thanh toán cho hợp đồng BT dự án trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương được sử dụng 2 khu đất có diện tích lên đến hơn 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND quận 2 phê duyệt vào tháng 7/2017, khu đất thứ nhất có diện tích hơn 4,5 ha, trong đó diện tích đất ở hơn 2,63 ha, còn lại là đất dành làm công trình hạ tầng công cộng kèm theo. Khu đất thứ 2 có diện tích hơn 10 ha, trong đó đất ở đạt hơn 5 ha cộng với phần đất thương mại, dịch vụ, văn phòng khách sạn rộng hơn 1,2 ha, phần còn lại là đất dành làm hạ tầng công cộng.
Để biết việc TP Hồ Chí Minh dùng 14,8 ha đất sạch có vị trí quá đẹp tại quận 2 để đối lấy công trình trên đắt hay rẻ thì chỉ cần tính theo mức giá đất cao nhất theo bảng giá đất thành phố áp dụng cho địa bàn phường An Phú thời điểm đó là 9,2 triệu đồng/m2, giá của công trình được đổi bằng đất trên sẽ không còn ở mức 869 tỷ đồng. Hơn thế, khi phần diện tích đất ở chiếm một nửa, người mua nền được sử dụng ổn định lâu dài có giá đất ở thực tế giao dịch tại quận 2 những năm gần đây đã ở mức trên 100 triệu đồng/m2, tổng giá trị thành phố trả cho công trình trên còn cao hơn rất nhiều.
Là công trình đầu tư theo hình thức đặc biệt, tức công trình này phải hết sức cần thiết để phục vụ giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực này. Thế nhưng vào ngày 8/11/2016, thời điểm dự án trên đang được khởi động, Hiệp hội BĐS thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép lưu thông hỗn hợp trên tuyến đường dẫn vào cao tốc. Cụ thể, Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng đoạn đường dẫn lên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (nằm giữa 2 tuyến song hành với cao tốc thành phố đang dự kiến làm) nối từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2 và Võ Chí Công có chiều dài 4,5 km, rộng 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp nhưng chỉ cho phép xe ô tô lưu thông. Trong khi đó lượng xe ô tô lưu thông trên đường dẫn không nhiều đã gây lãng phí. Do vậy cần cho phép cả xe máy lưu thông hỗn hợp vào đường dẫn này để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân giữa quận 2 và quận 9 bằng xe máy. Kiến nghị này đã cho thấy áp lực giao thông của xe ô tô thời điểm đó chưa lớn. Đồng thời khi đã cho phép xe máy được chạy vào đoạn đường dẫn lên cao tốc dài hơn cả tuyến song hành trên, thì áp lực cho xe máy lưu thông giữa quận 2 và quận 9 ở khu vực này đã được giải quyết phần lớn. Như vậy dự án làm đường song hành trên có còn cấp bách hay không, chắc dư luận chắc cũng đã hiểu (?!)
Phía sau những dự án BT tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Nhiều Dự án BT ngàn tỷ được giao không đấu thầu, đấu giá
(Tieudung.vn) - 90 % các dự án xây dựng hạ tầng theo phương thức BT (xây dựng – chuyển giao) được các địa phương chỉ định thầu không thông qua đấu thầu theo quy định. Việc thanh toán cho các nhà đầu tư, chủ yếu bằng quỹ đất được thực hiện theo phương thức tự định giá chứ không đưa ra đấu giá. Đây là lỗ hổng dẫn đến việc thất thoát công sản thông qua việc định giá tài sản chủ yếu là quỹ nhà đất công quá thấp so với giá trị thực tế, làm lợi “khủng” cho nhà đầu tư. Phía sau những dự án BT này là gì? Và có hay không những lợi ích nhóm…? |
(Còn nữa)