Theo số liệu thống kê gần đây mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố, xuất khẩu tôm tháng 4 đạt 244,2 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 872,8 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu tôm tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu của Việt Nam có phần tích cực hơn so với các tháng trước đó. Tồn kho tại các thị trường lớn không nhiều. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại các nhà hàng, khách sạn giảm nhưng tăng tại siêu thị và hệ thống bán lẻ vì xu hướng mua về nhà chế biến trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Tháng 4/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng. Nhật Bản là thị trường nhập tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. So với tháng 3, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng 19%, đạt 48,6 triệu USD. Lũy kế 4 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 180,5 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2019.
Đứng sau là Mỹ với 158,7 triệu USD các sản phẩm tôm trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam tăng ổn định là do nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Ấn Độ, Ecuador giảm. Cả 2 nguồn cung này cho Mỹ đều đang gặp khó khăn do Covid- 19 gây ra.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 4 tháng năm 2020 đạt gần 123 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang 2 thị trường nhập khẩu chính trong khối (Hà Lan và Bỉ) đã tăng trưởng dương sau khi giảm trong tháng 3
Cũng trong tháng 4, Trung Quốc lần đầu tăng nhập tôm từ Việt Nam sau khi sụt giảm liên tục ba tháng trước đó. Tháng 4, xuất tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 39,2 triệu USD, tăng 16,6% so với tháng 4/2019. Lũy kế 4 tháng sang thị trường này đạt 108,8 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam có lợi thế kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau dịch. Trong khi đó các đối thủ là nguồn cung ứng tôm chính cho thế giới như Ấn Độ, Ecuador vẫn phải gồng mình chống chọi với đại dịch, mà chưa thể quay lại sản xuất kinh doanh, vì vậy đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam nhiều hơn.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, tôm nuôi đang bị loài virus mới có tên là Decapod iridescent virus 1 (DIV1) tấn công, gây thiệt hại không nhỏ. Indonesia, Thái Lan cũng bị tác động ít nhiều từ đại dịch. Đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu tôm của Việt Nam nếu đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu.
Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực sẽ giúp ngành tôm Việt cạnh tranh tốt hơn ở EU, cùng với đó là thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ thấp.
Bên cạnh những cơ hội thì ngành tôm Việt Nam cũng đang phải chịu tác động của dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn. VASEP khuyến nghị người dân mạnh dạn thả nuôi để đón đầu cơ hội giá tôm sẽ phục hồi tốt cuối năm nay nếu Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, nhu cầu thị trường hồi phục. Người nuôi cũng nên chú ý đa dạng cỡ tôm khi thu hoạch, không nên chỉ tập trung vào cỡ lớn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các kênh tiêu thụ tôm cỡ lớn như: nhà hàng, khách sạn gần như đóng cửa nên nhu cầu giảm. Trong khi đó, do thu nhập giảm, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng tôm cỡ trung và nhỏ nhiều hơn. Xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 5/2020.