Trước khi lên tàu
Theo các hướng dẫn viên kỳ cựu, việc đầu tiên cần làm là chọn hãng tàu và đơn vị lữ hành uy tín, có đầy đủ giấy phép và phương tiện đạt chuẩn kỹ thuật. Đừng vì ham rẻ mà chọn tàu hoạt động không phép, thiếu bảo hiểm hay thiết bị cứu sinh.
Trước khi khởi hành, du khách cần tìm hiểu thông tin về tàu: như tàu có lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp ở đâu, tàu cất giữ xuồng cứu sinh và bè cứu sinh chỗ nào?...
Trước khi tàu rời bến, hành khách thường được hướng dẫn cách sử dụng áo phao, nhận diện thiết bị cứu hộ và quy trình thoát hiểm. Đáng tiếc, nhiều người thường bỏ qua những thông tin này với tâm lý “chắc không sao đâu”. Nhưng khi sự cố xảy ra – như tàu bị nghiêng, va chạm, thậm chí cháy nổ – vài phút hướng dẫn đó có thể là "phao cứu sinh" thực sự.
Hãy ghi nhớ vị trí áo phao (thường treo gần trần, dưới ghế ngồi hoặc cabin), để tránh lúng túng trong tình huống khẩn cấp.
Với các điểm đến trên hành trình, du khách cũng cần kiểm tra thông tin thời tiết và khuyến cáo tại địa phương.
Nếu tham gia vào các hành trình dài ngày, trên các du thuyền, khách cần báo cho chủ thuyền về tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống đặc biệt, các bệnh mãn tính như hen suyễn, động kinh, tiểu đường, tim mạch hay dị ứng. Những thông tin này giúp hãng có thể chủ động hỗ trợ khách, hạn chế mọi sự cố có thể xảy ra. Ngoài ra, nếu du khách bị say sóng, hãy mang thêm thuốc dự phòng vì có thể bạn sẽ nôn trên tàu, và nôn ra các loại thuốc đang uống.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Khi trên tàu
Trong suốt thời gian trên tàu, du khách không nên đến gần lan can, mạn tàu. Việc đứng gần lan can, trèo ra boong ngoài chụp ảnh hoặc không chú ý khi tàu chuyển hướng dễ dẫn đến tai nạn.
Theo các chuyên gia về du lịch tàu thuyền, sàn tàu trơn trượt, di chuyển dễ mất thăng bằng – vì vậy, đôi giày thể thao hoặc dép đế bệt chống trượt là lựa chọn hợp lý hơn nhiều so với giày cao gót. Ngoài ra, mũ rộng vành, kính râm, kem chống nắng và áo khoác gió mỏng cũng nên có sẵn trong hành lý. Trường hợp gặp sóng to, gió lớn cần bám chắc vào tay vịn hoặc vật cố định để tránh va đập.
Đặc biệt, tuyệt đối không đùa nghịch hoặc tạo dáng nguy hiểm gần mũi tàu, lan can khi tàu đang di chuyển. Không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì một khoảnh khắc “sống ảo bất chấp”.
Đối với trẻ em và người lớn tuổi – những đối tượng dễ bị tổn thương – nên mặc áo phao ngay khi lên tàu. Phụ huynh cần luôn kèm sát con nhỏ, không để trẻ tự do chạy nhảy hay trèo lên khu vực cấm. Người không biết bơi hoặc có bệnh nền càng cần được đảm bảo an toàn tối đa.
Cảnh giác thời tiết, giữ bình tĩnh khi có sự cố
Thời tiết thay đổi nhanh chóng, đặc biệt ở các khu vực biển đảo. Du khách nên kiểm tra dự báo trước và trong chuyến đi. Nếu nhận được thông báo dừng cấp phép tàu do thời tiết xấu, hãy tuân thủ nghiêm túc, không nên nài nỉ hay cố gắng khởi hành bằng mọi giá.
Trong trường hợp gặp sự cố như cháy nổ, va chạm, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, không chen lấn, không nhảy xuống nước nếu chưa có áo phao, và nghe theo hướng dẫn của thủy thủ đoàn. Phản ứng hoảng loạn chỉ khiến tình hình thêm phức tạp và nguy hiểm.
Nếu không may tàu chìm, cố gắng giữ bình tĩnh để xử lý tình huống hiệu quả. Với các tàu lớn, quá trình chìm thường diễn ra chậm hơn, du khách cần nhanh chóng chuẩn bị mọi thiết bị cần thiết như phao, bè cứu sinh, ván gỗ (nếu có), can nhựa...Có thể tận dụng túi nilon lớn, thổi phồng rồi buộc lại thành thiết bị nổi tạm thời.
Du khách nên đứng đối lập với bên tàu chìm, nếu tàu nghiêng sang trái thì đứng sang phải để giữ thăng bằng, kéo dài thời gian nước tràn vào thân tàu. Nếu ở trong phòng bên dưới tàu, hãy tìm mọi cách thoát ra ngoài, có thể phá cửa nếu cần thiết.
Khi nhảy xuống nước, nên nhảy theo phương thẳng và xuôi theo chiều gió, không nhảy theo chiều ngược gió, không nhảy ở phía con tàu đang bị chìm.
Sau khi xuống nước, cần nhanh chóng bơi ra xa khu vực tàu chìm để tránh bị cuốn vào vòng xoáy, nhưng phải quanh quẩn khu vực tàu để tiện cứu hộ. Cố gắng bám vào bất cứ thứ gì nổi được.
Đặc biệt, hãy tìm mọi cách phát tín hiệu cầu cứu để tăng cơ hội được giải cứu.
Kỹ năng sinh tồn khi bị mắc kẹt trên biển, đảo hoang
Khi bị mắc kẹt trên biển, du khách nên cố gắng bình tĩnh định hướng, quan sát để tìm hướng về đất liền. Hãy quan sát các loài chim biển, nếu gặp chim biển đang bay, hướng bay của nó sẽ là đất liền, nhất là vào các buổi chiều.
Nếu bị dạt vào đảo hoang mà không có nước ngọt, du khách có thể sử dụng bất kỳ loại vải nào để hứng nước mưa và vắt kiệt nước để uống. Nếu bạn có dự trữ thực phẩm, tốt nhất là tránh ăn cho đến khi có nước.
Du khách có thể dùng trang sức, dây giày, mảnh nhựa để làm cần câu và lưỡi câu; dùng buồm, bạt, lưới, hay thậm chí quần áo để bắt chim hoặc cá. Ngoài ra, du khách cũng có thể ăn rong biển.
Cần tìm cách để bất kỳ tàu thuyền nào đi ngang qua cũng có thể nhận ra bạn đang bị mắc kẹt trên đảo. Nếu có pháo sáng, hãy dùng chúng khi bạn định vị tàu thuyền. Nếu không, hãy dùng gương, kính hoặc màn hình điện thoại để tạo ra ánh sáng mạnh nhằm báo hiệu cho tàu thuyền hoặc thậm chí là máy bay.