Thứ 2, 21/07/2025, 16:39 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cách dự trữ và bảo quản thực phẩm khi mưa bão

Cách dự trữ và bảo quản thực phẩm khi mưa bão
(Tieudung.vn) - Trong những ngày mưa bão, mất điện và mưa ngập có thể xảy ra. Người dân cần chủ động ứng phó, dự trữ đủ lương thực, thực phẩm để tránh phải ra ngoài khi mưa to, gió lớn mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

Thực phẩm tươi

Cụ thể, đối với tươi như thịt lợn, bò, gà, người dân có thể trữ lạnh trong 3 - 5 ngày. Trước đó, cần sơ chế các loại thực phẩm này. Khi sử dụng có thể rã đông và chế biến như bình thường.

Mưa lớn kéo dài sẽ khiến rau xanh vừa đắt vừa khan hiếm, bởi điều kiện thời tiết ảnh hưởng rất lớn tới việc trồng trọt. Nếu bạn mua rau để tích trữ, nên chọn củ quả thay vì rau xanh. Về thời hạn bảo quản, rau xanh chỉ có thể để được 2-5 ngày trong tủ lạnh và 1-2 ngày ở ngoài. Trong khi đó, củ quả thì có thể để được cả tháng trong tủ lạnh và 1-2 tuần khi ở ngoài.

Một số loại củ quả rất thích hợp trong những ngày mưa bão, có thể mua để dành như bí đỏ, bí xanh, bầu, cà tím, cà chua, cà rốt, khoai tây, khoai sọ...

Còn nếu mua rau, nên ưu tiên những loại có thể bảo quản khá lâu như bắp cải, cải thảo.

Cách dự trữ và bảo quản thực phẩm khi mưa bão

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Thực phẩm khô và đóng hộp

Đối với thực phẩm khô, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo nên có trong ngày mưa bão bao gồm: cá khô, mỳ ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích ăn liền, ruốc và các loại bánh mỳ, bánh ngọt, sữa đặc.

Ngoài ra, bạn cần đảm bảo các món đồ thiết yếu như gạo, mắm, muối, dầu ăn... luôn có đủ trong nhà. Các loại mỳ, miến, phở khô... cũng nên được chuẩn bị đầy đủ để đổi bữa, chống ngán. Điều kiện mưa bão, lũ lụt có thể kèm mất điện, một số món đồ khô như bánh mỳ, bánh ngọt, ruốc, sữa đặc cũng rất cần thiết.

Đối với thực phẩm đóng hộp nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng và bố trí chế độ ăn uống hợp lý cho gia đình.

Nước uống

Về nước uống, trước tiên, các gia đình nên có biện pháp trữ nước sạch trong bể, thùng, xô chậu ... phòng trường hợp bị cắt nước. Ngoài ra, phải chuẩn bị nhiều nước uống đóng chai, nước quả đóng chai và sữa đóng hộp. Tất cả đều được bảo quản ở nơi khô ráo, để khi cần thiết có thể dễ dàng sử dụng. Không nên để ở những nơi dễ bị ngập nước trong nhà.

Đối với một người trong một ngày nên có ít nhất 3 lít nước hoặc 45 lít nước cho một gia đình bốn người và tốt hơn hết nên dự trữ nước uống trong thời gian ít nhất ba ngày, đề phòng những trường hợp khẩn cấp (hãy đề phòng cả trường hợp không thể đun nước uống).

Lưu ý khi chuẩn bị thực phẩm phòng bão lụt

Trong những ngày mưa bão, tủ lạnh của các gia đình thường được trữ rất nhiều đồ ăn. Vì thế, bạn cần điều chỉnh lại nhiệt độ thích hợp để đảm bảo chất lượng bảo quản thực phẩm, tránh tạo ra môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, lây lan.

Nhiệt độ tủ lạnh lý tưởng nhất là ở mức dưới 40°F. Ở khoảng nhiệt độ này, các thực phẩm sẽ an toàn hơn khi sử dụng. Nếu tủ lạnh quá "ấm áp" sẽ tạo môi trường cho các loại vi khuẩn độc hại phát triển.

Lưu ý, để kéo dài tuổi thọ của các loại rau củ, bạn cần giữ cho rau khô ráo, hạn chế việc rửa, sơ chế trước vì sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi. Khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, cần bọc rau trong các túi riêng biệt, tránh để lẫn vì mỗi một loại rau sẽ có tuổi thọ khác nhau, nếu bị hỏng sẽ dễ gây ảnh hưởng tới loại rau củ khác.

Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm, vì thực tế tình trạng không thể mua bán thường không kéo dài, đồ ăn để lâu sẽ kém ngon và giảm dinh dưỡng. Mặt khác nếu bị mất điện lâu, đồ ăn để trong tủ lạnh rất dễ hỏng. Trong điều kiện bình thường, phần lớn gia đình đều có trong tủ đông lượng thực phẩm dự trữ cho cả tuần, vì vậy nếu tích trữ thực phẩm phòng ngập lụt, bạn chỉ cần mua thêm chút ít, thậm chí có gia đình chỉ cần mua thêm rau.

Bảo quản thực phẩm khi mất điện

Trong thời gian mất điện, cửa tủ lạnh và tủ đá phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ lạnh. Một tủ đá với đầy kín thức ăn, nếu cửa đóng chặt thì sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, trong khi nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì giữ được độ lạnh 24 giờ. Đối với tủ lạnh, chỉ giữ được độ lạnh khoảng 4 giờ sau khi bị mất điện.

Bốn giờ sau khi mất điện, các thực phẩm hư phải được bỏ đi. Mặc dù những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang bệnh, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.

Các loại thực phẩm sau đây cần phải bỏ đi: thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồng thời, những thức ăn dư thừa từ những ngày trước đó, như: cá ngừ, cơm, mì ống, rau xà lách, các loại nước sốt… cũng nên đổ đi.

Khi nhà bị ngập nước, cách tốt nhất là nấu nước sôi để nguội, uống hoặc uống nước đóng chai trong thời gian này. Không ăn những thức ăn có dính nước lụt hoặc thức ăn được lấy ra từ những thùng bị thấm nước lụt.

Tags:
4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.33595 sec| 825.664 kb