Chi tiêu nhiều cho nhóm sản phẩm đảm bảo sức khỏe
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Quản lý cấp cao tại NielsenIQ Việt Nam, cho biết ngành kinh tế liên quan sức khỏe đang rất được quan tâm.
"Trước đây, nói đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mọi người thường chỉ nghĩ đến thực phẩm và chăm sóc y tế. Tuy nhiên, bây giờ còn mở rộng hơn, ở nhóm phi thực phẩm. Du lịch, thực phẩm chức năng, nơi làm việc… cũng là nhóm hàng hóa liên quan sức khỏe. Chúng ta sẽ nghe 'health and wellness' nhiều hơn sắp tới, wellness là nói tới cả thể chất và tinh thần, đặc biệt sau dịch Covid-19.
Sản phẩm đảm bảo sức khỏe, thịt từ thực vật lên ngôi hậu Covid-19
Một khảo sát do Nielsen thực hiện vào năm ngoái cho thấy, 39% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói rằng họ đã mua các sản phẩm có yếu tố lành mạnh trong 2 năm qua. Họ chủ động chọn những sản phẩm bảo vệ sức khỏe thông qua nhãn ghi thông tin cho biết đó là sản phẩm lành mạnh, các sản phẩm có yếu tố thư giãn và các sản phẩm có chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Giải thích về sự thay đổi này trong xu hướng của người tiêu dùng, theo bà Dung, có ba lý do: Thứ nhất, là yếu tố khách quan của bối cảnh xã hội, nhất là sau Covid-19, ngày càng có nhiều lý do để người tiêu dùng muốn mình khỏe hơn; Thứ hai, là các chi phí liên quan chăm sóc sức khỏe tăng nhanh, họ quan tâm, chủ động và sẵn sàng phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe; Thứ ba, người tiêu dùng có nhiều xu hướng khác nhau để đầu tư cho vấn đề sức khỏe.
Về vấn đề yếu tố lành mạnh trong các sản phẩm, theo bà Dung, các doanh nghiệp cần lưu ý có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn, trên thị trường hiện nay có một số sản phẩm như sữa, sữa chua ít đường, không đường, bia không cồn, cải tiến bao bì theo hướng thân thiện môi trường…
Thịt từ thực vật lên ngôi
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết mới trở về từ Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2022. Tại đây một xu hướng thực phẩm rất đáng quan tâm là thực phẩm dựa trên thực vật (plant-based).
Nhiều món ăn gây chú ý tại Thaifex Anuga Asia 2022 theo kiểu plant-based là phô mai chay bằng bí đỏ, súp sầu riêng Thái, thịt nướng từ nấm… Những món ăn này được làm từ thực vật nhưng mùi vị không khác so với thực phẩm từ thịt thật.
Theo bà Hạnh, quyết định mua hàng của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Họ quan tâm thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn, đa dạng cho chế độ ăn uống, thân thiện với môi trường. Đạm thay thế là xu hướng dẫn dắt. Tuy nhiên, do mới mẻ nên nhiều nước "tiên phong" vẫn đang marketing mạnh kêu gọi đầu tư về vốn, công nghệ…
Một nghiên cứu của Kerry vào tháng 11/2021 cho thấy, 62% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương quan tâm mua thịt thực vật, 44% muốn tăng mức tiêu thụ và 32% muốn cắt giảm mua thịt động vật.
Các loại thay thế sữa, phô mai và trứng từ thực vật ngày càng phổ biến hơn, giá mềm hơn, chất lượng ngon và dinh dưỡng ổn.
Bà Hạnh cho rằng các nhà bán, nhà sản xuất cần chú ý xu hướng mới, nhu cầu mới của khách hàng để có hướng đi, tìm những sản phẩm mới phù hợp
Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra rằng, Hiện nay, Việt Nam đang từng bước thay đổi và hướng đế thói quen sống xanh, sạch và lành mạnh hơn. Như ngành FMCG đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế, nguyên liệu bao bì tái chế, thay đổi hướng đến bền vững.
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng có ý thức trong tiêu dùng như ưa chuộng hàng nội địa và mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Lý giải nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, là do ngày càng nhiều hàng Việt Nam cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Còn những sàn thương mại điện tử cung cấp sản phẩm chất lượng, giao hàng nhanh sẽ “chiến thắng” trên cuộc đua đến trái tim người tiêu dùng.