Tỷ lệ mẫu thực phẩm chưa an toàn còn cao
Quận Bắc Từ Liêm là địa bàn có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống khá sầm uất, với tổng số gần 4.000 cơ sở. Thực hiện “Tháng hành động vì ATTP”, lực lượng chức năng của quận đã tiến hành xét nghiệm nhanh đối với 856 mẫu thực phẩm (tinh bột, methanol, formaldehyt, hàn the, dấm vô cơ…). Trong số này, ghi nhận 81 mẫu không đạt các chỉ tiêu về ATTP theo quy định.
Cơ quan chức năng của Hà Nội phân tích mẫu thực phẩm. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tương tự tại quận Nam Từ Liêm, ngoài việc phát hiện, xử phạt 19 cơ sở vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn, chính quyền các cấp cũng đã lấy 849 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm nhanh các chỉ tiêu. Kết quả, có đến 114 mẫu chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn, tập trung vào nhóm sản phẩm có chứa tinh bột, hàn the.
Tại huyện ngoại thành Sóc Sơn, tình trạng mẫu thực phẩm không an toàn có ít hơn, nhưng vẫn đáng lo ngại. Trong tổng số 526 mẫu xét nghiệm nhanh được thực hiện, cơ quan chức năng của huyện xác định có 21 mẫu chưa bảo đảm các chỉ tiêu phân tích về ATTP.
Kết quả phân tích mẫu tại một số quận, huyện nêu trên cho thấy, tình trạng mẫu thực phẩm không bảo đảm các chỉ tiêu an toàn còn khá phổ biến. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng thực phẩm, bởi thực tế số lượng các mặt hàng tiêu thụ hàng ngày còn lớn hơn rất nhiều.
Tăng cường lấy mẫu, xử phạt nghiêm vi phạm
Đối với các mẫu thực phẩm không an toàn, lực lượng chức năng cấp quận, huyện, thị xã đều đã tiến hành thu hồi, yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại. Mặc dù vậy, việc xử phạt cơ sở có mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhanh không đạt chỉ tiêu hiện nay chưa thể thực hiện.
Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Giang Sơn Hà cho biết, đối với các mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhanh, hiện chưa có căn cứ để xử phạt vi phạm khi phát hiện chỉ tiêu vượt ngưỡng an toàn. Thay vào đó, cơ quan chức năng địa phương chủ yếu chỉ dừng ở việc nhắc nhở.
Đại diện cơ quan quản lý ATTP quận Bắc Từ Liêm cho biết thêm, để có cơ sở đưa ra hình thức xử lý đối với mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhất là các sản phẩm tươi sống, cơ quan chức năng phải lấy mẫu gửi đi phân tích định lượng tại phòng thí nghiệm. Quá trình này thường mất từ 2 - 4 ngày.
Mặc dù vậy, kết quả triển khai “Tháng hành động vì ATTP” của các địa phương trên địa bàn Hà Nội cho thấy số lượng mẫu được lấy, gửi phòng thí nghiệm phân tích các chỉ tiêu còn rất thấp. Điều này làm dấy lên mối lo về các nguy cơ về mất ATTP.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, những năm qua, nhận thức của người dân về ATTP đã có nhiều chuyển biến, nhưng còn hạn chế; sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ vẫn phổ biến, từ nông thôn cho tới thành thị. Tình trạng sử dụng không đúng, hoặc quá liều lượng hoá chất vẫn còn… Đây là những nguyên nhân khiến số lượng mẫu thực phẩm chưa bảo đảm an toàn còn phổ biến.
kiểm soát chặt vấn đề ATTP, ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các địa phương cần thường xuyên giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường lấy mẫu thực phẩm gửi phòng thí nghiệm đánh giá, phân tích để có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng nhấn mạnh: Đối với vấn đề ATTP, vai trò của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn là rất quan trọng. Chính vì vậy, bên cạnh làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ làm công tác ATTP tại cơ sở, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP.
Theo Thông tư số 11/TT-BYT của Bộ Y tế về Quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, kết quả thu được từ thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm là kết quả ban đầu, chỉ mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm. Không sử dụng kết quả từ kiểm nghiệm nhanh để xử lý vi phạm ATTP. |