Cổ phiếu hàng không, chứng khoán và ngân hàng hút mạnh dòng tiền
Thị trường chứng khoán ngày 23/7 tiếp tục đà tăng ấn tượng, với dòng tiền đổ mạnh vào nhiều nhóm ngành chủ chốt. Kết phiên, VN-Index tăng 2,77 điểm lên 1.512,31 điểm – mức cao nhất trong hơn 3 năm qua. HNX-Index và UPCoM-Index cũng lần lượt tăng 1,48 điểm và 0,91 điểm, cho thấy sự lan tỏa tích cực trên toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán vượt 1.510 điểm, cổ phiếu hàng không, chứng khoán và ngân hàng hút mạnh dòng tiền
Thanh khoản bùng nổ với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 42.200 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE ghi nhận hơn 36.500 tỷ đồng – tăng gần 3.000 tỷ đồng so với phiên trước. Điều này cho thấy dòng tiền đang hoạt động mạnh mẽ, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trong bối cảnh VN-Index chinh phục các vùng đỉnh mới.
Tâm điểm thị trường là nhóm cổ phiếu hàng không khi VJC của Vietjet tiếp tục tăng trần lên 108.800 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. HVN của Vietnam Airlines cũng tăng thêm 2,72% lên 34.000 đồng/cp nhờ kết quả kinh doanh tích cực.
Nhóm chứng khoán tiếp tục là thỏi nam châm hút dòng tiền với nhiều mã tăng mạnh: VIX +4,84%, CTS và VDS cùng tăng trần, trong khi VND và SHS lần lượt tăng 2,36% và 2,3%.
Cổ phiếu ngân hàng dù có sự phân hóa nhưng vẫn giữ sắc xanh chủ đạo. Nhiều mã bứt phá như HDB +4,13%, VPB +3,78%, VIB +2,3%, MSB, NAB... Trong khi đó, LPB, STB, TCB và VCB ghi nhận mức giảm nhẹ.
Ở nhóm bất động sản, áp lực chốt lời khiến nhiều cổ phiếu điều chỉnh. Bộ 3 "họ Vin" gồm VHM, VIC, VRE đều giảm mạnh từ 2-3%. Đáng chú ý, LDG tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp, lùi về 5.690 đồng/cp sau chuỗi tăng gần 180%.
Khối ngoại đảo chiều mua ròng gần 250 tỷ đồng trên HoSE sau phiên bán ròng gần 2.000 tỷ hôm qua. Các mã được mua ròng mạnh gồm FRT, VPB, HDB, VNM... Trong khi đó, VIX, SHB và VHM nằm trong top cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất.
Với thanh khoản duy trì ở mức cao và dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành, thị trường được đánh giá đang trong giai đoạn tích lũy vững chắc tại vùng đỉnh mới, mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư trong những phiên sắp tới.
VAB điều chỉnh nhẹ sau phiên chào sàn tăng mạnh, triển vọng trung hạn vẫn tích cực
Sau màn chào sàn ấn tượng với mức tăng 7,4% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE (ngày 22/7), cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã có phiên điều chỉnh nhẹ ngày 23/7, giảm 1,96% xuống còn 15.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch đạt hơn 2,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch gần 32 tỷ đồng. Diễn biến điều chỉnh này được nhiều chuyên gia đánh giá là bình thường, mang tính kỹ thuật sau phiên tăng nóng, đồng thời phản ánh tâm lý chốt lời ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư.
Tuy vậy, xu hướng trung hạn của cổ phiếu VAB vẫn được đánh giá tích cực nhờ những yếu tố nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ. Việc niêm yết trên sàn HOSE – nơi tập trung dòng tiền lớn và có thanh khoản cao nhất thị trường – được xem là cú hích quan trọng giúp VietABank cải thiện vị thế thương hiệu, tăng khả năng tiếp cận nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, cũng như mở rộng cơ hội huy động vốn cho các chiến lược dài hạn.
Đáng chú ý, VietABank đang xúc tiến kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 2.764 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên hơn 8.160 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ giúp ngân hàng gia tăng năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng, đầu tư vào công nghệ số và đáp ứng chuẩn Basel II. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của VietABank cũng rất khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 714 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ), tổng tài sản gần 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu giảm mạnh từ 1,37% xuống còn 1,11%.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt và xu hướng chuyển đổi số ngày càng rõ nét, VietABank xác định chiến lược phát triển ngân hàng số đa kênh, nâng cao trải nghiệm người dùng và kiểm soát tín dụng hiệu quả sẽ là ba trụ cột then chốt để tạo khác biệt và nâng cao giá trị doanh nghiệp – từ đó hỗ trợ đà tăng dài hạn của cổ phiếu VAB trên thị trường chứng khoán.