VN-Index chính thức vượt mốc 1.500 điểm, thiết lập đỉnh cao mới sau hơn 3 năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 22/7 ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ khi chỉ số VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm sau hơn 3 năm, khép lại tại 1.509,54 điểm, tăng 24,49 điểm (1,65%) so với phiên trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, đưa VN-Index tiến gần đỉnh lịch sử chỉ còn cách khoảng 15 điểm.
VN-Index chính thức vượt mốc 1.500 điểm, thiết lập đỉnh cao mới sau hơn 3 năm
Sự khởi sắc của thị trường đến từ lực đỡ mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là sự trở lại ấn tượng của bộ ba cổ phiếu Vingroup. VIC tăng 4,91%, VHM tăng 3,8% và VRE tăng 3,45% đã góp tổng cộng gần 9 điểm cho chỉ số chính. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn khác cũng bật tăng mạnh như VJC và EIB tăng trần, HVN tăng 4,7%, VCB tăng 1,47%, BID tăng 2,1%, FPT tăng 1,63%...
Ở nhóm ngân hàng, ngoài các trụ cột như VCB, BID, HDB (+3,88%), nhiều mã khác cũng ghi nhận mức tăng tích cực như TPB (+1,32%), LPB (+1,13%), NAB (+1,72%), ABB (+1,11%)... Trong khi đó, nhóm chứng khoán trở thành tâm điểm khi nhiều mã tăng trần như CTS, VIX, SHS (+6,1%), VND (+5,23%), HCM, VCI, BSI đều tăng trên 2-3%.
Không kém cạnh, nhóm bất động sản tiếp tục hút dòng tiền với nhiều mã tăng trên 2% như SCR (+4,35%), CEO, NVL, PDR, HDC, TCH, VPI... Nhóm tiêu dùng, công nghiệp cũng xuất hiện nhiều sắc tím như PAN, PET, VJC, VSC...
Chốt phiên, toàn sàn HOSE ghi nhận 224 mã tăng giá, 103 mã giảm và 43 mã đứng giá. Tổng thanh khoản đạt gần 33.800 tỷ đồng, giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Nếu tính cả HNX, thanh khoản toàn thị trường đạt khoảng 36.400 tỷ đồng.
Điểm trừ trong phiên là giao dịch của khối ngoại khi họ quay lại bán ròng mạnh với giá trị gần 1.867 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, VJC bị bán ròng đột biến gần 1.979 tỷ đồng – cao nhất trong hơn một tháng qua. Dù vậy, cổ phiếu này vẫn bất ngờ tăng trần lên 101.700 đồng/cổ phiếu – lần đầu quay lại mốc 6 chữ số sau nhiều tháng. Giao dịch thỏa thuận tại VJC cũng rất sôi động với 20 lệnh, tổng giá trị 1.964 tỷ đồng.
VJC tăng trần, tài sản bà Nguyễn Thị Phương Thảo chạm mốc 2,8 tỷ USD
Phiên giao dịch ngày 22/7 chứng kiến sự bứt phá ấn tượng của cổ phiếu ngành hàng không, đặc biệt là mã VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet. Kết phiên, VJC tăng kịch trần 6.600 đồng lên 101.700 đồng/cổ phiếu, đánh dấu lần đầu tiên cổ phiếu này trở lại mốc 6 chữ số sau nhiều tháng. Đáng chú ý, dù bị khối ngoại bán ròng hơn 20 triệu đơn vị qua giao dịch thỏa thuận, mã này vẫn trắng bên bán và dư mua giá trần hơn 2 triệu cổ phiếu.
Theo dữ liệu từ Forbes cập nhật chiều cùng ngày, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Vietjet Air – đã tăng lên 2,8 tỷ USD, củng cố vị trí người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và chỉ đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong bảng xếp hạng tỷ phú Việt Nam.
Sự bứt phá của VJC được cho là nhờ thông tin tích cực từ Cục Hàng không Việt Nam, khi công bố Vietjet là nhà đầu tư trúng thầu dự án xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 3 và số 4 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hai dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026 đến hết năm 2050, giúp Vietjet mở rộng năng lực kỹ thuật, nâng cao giá trị chuỗi dịch vụ hàng không.
Đà tăng của VJC được thúc đẩy bởi thông tin tích cực liên quan đến việc Bộ Xây dựng đã phê duyệt Vietjet là nhà đầu tư trúng thầu hai dự án bảo dưỡng tàu bay số 3 và 4 tại sân bay Long Thành. Đây là bước tiến chiến lược trong việc mở rộng hệ sinh thái dịch vụ hàng không của hãng, với kế hoạch khai thác từ năm 2026 đến hết năm 2050.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, Vietjet ghi nhận doanh thu hàng không đạt 17.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 820 tỷ đồng – tăng 25% so với cùng kỳ 2024. Tính theo báo cáo hợp nhất, hãng đạt doanh thu 17.952 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 836 tỷ đồng, tăng 24%.
Từ đầu năm đến nay, Vietjet liên tục ghi dấu ấn quốc tế. Tháng 1/2025, hãng thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và xúc tiến các thỏa thuận chiến lược trị giá gần 50 tỷ USD với Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney… Tháng 5/2025, Vietjet tiếp tục mở rộng hiện diện tại Trung Á, hợp tác cùng Qazaq Air để thành lập Vietjet Qazaqstan, khai thác ít nhất 20 tàu bay Boeing 737 và xây dựng trung tâm vận hành tại Kazakhstan.
Ngoài ra, Vietjet Thái Lan đã vươn lên trở thành một trong những hãng hàng không chi phí thấp hàng đầu Thái Lan. Hãng cũng đặt mua thêm 20 máy bay Airbus A321neo, dự kiến giao hàng từ năm 2026.