Từ “tay ngang” trở thành “vua nha đam”
Trước khi đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nhân Nguyễn Văn Thứ đã là một cán bộ ngân hàng với vị trí nhiều người mơ ước. Thế nhưng, đằng sau sự ổn định tài chính, ông luôn mang trong mình một nỗi trăn trở sâu sắc về thực trạng nông sản Việt Nam. Ông nhận thấy một mâu thuẫn dai dẳng tồn tại trong cả ba khâu then chốt của chuỗi giá trị nông sản: từ việc trồng trọt ở trang trại, đến sản xuất và chế biến tại nhà máy, rồi cuối cùng là phân phối và bán hàng ở các kênh tiêu thụ. Sự thiếu đồng bộ này không chỉ khiến chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, mà còn đẩy giá nông sản xuống thấp, khiến cuộc sống của người sản xuất, những người nông dân chân lấm tay bùn, trở nên bấp bênh và khó khăn.
Viet Farm - Nhà máy nha đam lớn nhất Việt Nam tại Khu công nghiệp Thành Hải (Ninh Thuận). Ảnh: GC Food
Những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như hạt tiêu, cà phê, hạt điều dù có tiềm năng lớn, nhưng thường xuyên chịu cảnh giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường trên thị trường quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc thu mua nông sản thô rồi xuất khẩu với giá trị gia tăng không cao. Điều này thôi thúc ông Thứ phải tìm một lối đi khác, một con đường mà ở đó, nông sản Việt không chỉ được "xuất khẩu" mà còn được "nâng tầm", mang giá trị thật sự đến tay người tiêu dùng toàn cầu.
Từ những suy nghĩ đó, ý tưởng về việc xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín, một "chuỗi thực phẩm hạnh phúc" đã dần hình thành trong tâm trí ông Thứ. Mục tiêu không chỉ là điều phối sản xuất một số mặt hàng nông sản chiến lược, mà còn là đảm bảo quyền lợi và sự liên kết bền vững của tất cả các bên tham gia, dựa trên tiêu chí hàng đầu là thực phẩm an toàn, hướng đến một cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.
Quyết định khởi nghiệp ở tuổi 36, bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, đầy thách thức, song với quyết tâm mãnh liệt, ông dành khoảng 5 năm rong ruổi khắp các miền quê, lên cao nguyên, xuống Đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu hoạt động sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm loại nông sản phù hợp để chế biến và xuất khẩu. Cuối cùng, ông chọn nha đam, một loại cây "lành tính", gần gũi với người dân, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng giá trị gia tăng còn thấp và quy mô sản xuất còn hạn chế.
GC Food kiểm soát nguyên liệu từ khâu nuôi trồng đến chế biến, sản xuất và kiểm định chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: GC Food
Năm 2011, GC Food chính thức được thành lập và nhà máy sản xuất nha đam đầu tiên được xây dựng tại Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai. Giai đoạn đầu, các lô hàng nha đam bị hư hỏng, mỗi lô lên đến vài chục tấn, giá trị thời điểm đó khoảng 2 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp mới thành lập.
Chưa dừng lại ở đó, sản phẩm nha đam thành phẩm của GC Food ban đầu bị nhiều khách hàng chê là quá mềm và nhớt. Ông Thứ cùng đội ngũ của mình lại tiếp tục miệt mài cải tiến, tìm hiểu thêm kỹ thuật, thực nghiệm nhiều lần để tạo ra sản phẩm nha đam vừa tươi, vừa giòn, đạt chất lượng tối ưu. Nhờ đó, GC Food đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, từng bước ổn định và phát triển, và cũng từ đây thương hiệu “vua nha đam” đã gắn liền với doanh nhân nhân Nguyễn Văn Thứ.
Khẳng định vị thế nông sản Việt
Sau 4 năm hoạt động hiệu quả, năm 2015, GC Food phải trả lại mặt bằng nhà xưởng ở Trảng Bom vì hết hợp đồng. Đây lại là một cơ hội để ông Thứ đưa ra quyết định chiến lược: đến Ninh Thuận thuê đất và xây dựng nhà máy sản xuất nha đam chuyên nghiệp tại chính vùng nguyên liệu. Điều này giúp công ty kiểm soát tốt hơn nguồn nguyên liệu đầu vào và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Hiện nay, đây là nhà máy chế biến nha đam hiện đại và lớn nhất Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ khoảng 35.000 tấn lá nha đam, tương đương 15.000 tấn thành phẩm.
Các sản phẩm của GC Food đều được đóng gói cẩn thân và kiểm định chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: GC Food
Từ những thành công ban đầu với nha đam, năm 2016, GC Food tiến thêm một bước trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm. Thời điểm đó, các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu thu mua thạch dừa từ Malaysia và Thái Lan, nhưng giá khá cao và nguồn cung không đủ: "Rất may mắn, GC Food được một doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn để phát triển quy trình sản xuất cao cấp nhằm xuất khẩu sang thị trường Nhật. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp học hỏi kỹ thuật sản xuất thạch dừa của Nhật Bản" - ông Thứ kể.
Ngoài ra, nhận thấy vùng đất Ninh Thuận với đặc điểm khí hậu (ánh nắng và gió) khác biệt, tạo điều kiện lý tưởng cho một số loại cây trồng, GC Food đã đầu tư trồng dưa lưới, nho, táo, ổi tại nông trại Nắng và Gió với quỹ đất hơn 100 ha. Các loại nông sản này được trồng theo hướng tự nhiên và đã đạt được các chứng nhận trong nước và quốc tế khắt khe như Global GAP, ISO 22000:2005, FDA, USDA, Halal, OCOP, khẳng định cam kết về sản phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Với chiến lược đầu tư bài bản, hợp lý và hiệu quả, GC Food đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào. Công ty đã đưa sản phẩm tới hơn 20 thị trường khó tính trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu, Đông Âu, Trung Đông, Đông Nam Á. GC Food đang là đơn vị xuất khẩu nha đam hàng đầu Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng và hiệu quả tại những thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe nhất.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, GC Food tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt là trẻ em vùng cao. Ảnh: GC Food
Trong nước, các sản phẩm từ nha đam và thạch dừa của GC Food cũng đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều khách hàng lớn chuyên sản xuất sữa chua, nước giải khát và chuỗi nhà hàng, quán cà phê, chiếm hơn 50% thị phần nguyên liệu.
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, GC Food đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2025: dự kiến đạt doanh thu 716 tỷ đồng (tăng trưởng 24%) và lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng (tăng trưởng 41%). Mục tiêu này là minh chứng cho khả năng phát triển vượt bậc của công ty, đồng thời thể hiện cam kết của GC Food trong việc duy trì một đà tăng trưởng bền vững.
Nhìn lại hành trình đã qua, Chủ tịch GC Food Nguyễn Văn Thứ luôn nhấn mạnh rằng, muốn sản xuất và chế biến nông sản, doanh nghiệp cần đi từ nguyên liệu tốt, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và thu hút được các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Ba tiêu chí này chính là kim chỉ nam giúp GC Food vững vàng trên con đường kiến tạo "chuỗi thực phẩm hạnh phúc" và nâng tầm nông sản Việt trên bản đồ toàn cầu.