Thế nhưng, việc áp dụng các phương pháp này là không hề đơn giản trong khi thực trạng chuyển giá, trốn thuế ngày một tinh vi hơn
Nhiều thủ đoạn chuyển giá tinh vi
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán, tài chính, ngân hàng (Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện tượng chuyển giá đã xuất hiện từ lâu tại nhiều DN FDI. Các hoạt động liên kết thông qua các giao dịch như: Chuyển giao nội bộ tài sản cố định hữu hình hay tài sản cố định vô hình; mua bán nguyên vật liệu, thành phẩm, thông qua sự dịch chuyển nguồn vốn (cho vay và đi vay nội bộ); qua sự cung cấp các dịch vụ tài chính, tư vấn quản lý…
Khi được chuyển nhượng cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan sau hơn 20 nămkinh doanh tại Việt Nam Metro chưa hề đóng thuế thu nhập. Ảnh: Công Hùng |
Chuyển giá tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN FDI với nhau và kể cả với các DN trong nước. Và trong “cuộc chiến” đó do DN trong nước (chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa) thường không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh nên có thể phá sản hoặc thay đổi ngành nghề, sản phẩm kinh doanh. Khi đó, một số ngành, lĩnh vực DN FDI sẽ dần thao túng thị trường trong nước, tiến tới độc quyền kiểm soát giá cả. Chẳng hạn, việc một số DN FDI thường dùng thủ đoạn chuyển giá bằng phương pháp khai khống giá đầu vào (mua máy móc thiết bị và nguyên vật liệu). Sau đó, họ bán phá giá sản phẩm đầu ra, nhằm hạch toán thua lỗ, tạo ra “giá trị ảo” cho tài sản cố định, tăng thời hạn khấu hao tài sản cố định thực, làm sai lệch tổng vốn FDI khi giải ngân. Những hành vi như thế sẽ làm thị trường tư liệu sản xuất, tiêu dùng trong nước và hoạt động nhập khẩu phải chịu mức “giá ảo”, cao bất hợp lý.
Hệ quả của hành vi này gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước với nhau, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều DN FDI còn lợi dụng sơ hở trong quản lý Nhà nước, sử dụng các thủ đoạn gian lận thương mại khác như: Công bố thông tin sai lệch, gian lận trong hạch toán để DN lỗ trên sổ sách và lãi trên thực tế để trốn thuế…
Hàng loạt “ông lớn” dính chàm
Chuyên gia kinh tế Dương Ngọc Trâm cho rằng: DN FDI hoạt động thua lỗ không có nghĩa tất cả đều là chuyển giá (tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh). Nhưng nhiều DN FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ cả chục năm trời mà vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất là ngược với lý thuyết kinh doanh. Đây có thể xem là dấu hiệu của gian lận, chuyển giá. Tuy nhiên, để xử lý thì cơ quan quản lý phải xác định rõ hành vi nào là tránh thuế, hành vi nào là chuyển giá.
Bà Dương Ngọc Trâm cho biết thêm, đầu năm 2017, các DN FDI đã chiếm tới 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị, 15% thị phần qua siêu thị mini, trong đó có nhiều DN FDI lớn như Coca - Cola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam, 7 - Eleven, Lotter, BigC, Circle, Auchan, Family… Tuy nhiên, việc nắm giữ thị phần lớn không có nghĩa là các DN FDI sẽ đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Ngược lại, nhiều DN FDI còn lợi dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để “qua mặt” cơ quan thuế. Những dấu hiệu chuyển giá dễ nhận biết nhất là việc báo lỗ của nhiều DN FDI. Vụ Công ty Metro Cash & Carry là một điển hình.
Sau 12 năm có mặt tại Việt Nam, Metro chưa từng nộp thuế thu nhập, dù doanh thu có khi tăng hơn 24 lần. Vì thế, Metro liên tục mở rộng được 19 trung tâm bán buôn tại 14 tỉnh, thành, 5 kho trung chuyển và tổng cộng 3.600 nhân viên. Trước khi kết thúc sứ mệnh kinh doanh tại Việt Nam vào đầu năm 2016 (chuyển nhượng cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan), Metro đã bị cơ quan thuế phát hiện thanh toán tiền mua thương hiệu lên tới 731 tỷ đồng trong 6 năm (2006 - 2013). Trong đó, chỉ với 3 năm đầu, Siêu thị Metro không đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định của Nghị định 35 nên khoản tiền trả cho Metro Group (Đức) không được chấp nhận là chi phí được khấu trừ khi tính thuế.
Một trường hợp khác là Lotte Mart cũng báo lỗ rất lớn nhưng vẫn mở rộng quy mô, để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Lotte Mart bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 và phát sinh doanh thu từ năm 2008. Hàng năm, doanh thu của Lotte tăng trưởng khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng thường xuyên sử dụng thủ đoạn báo cáo lỗ với cơ quan thuế. Năm 2007, Lotte Mart hoạt động kinh doanh lỗ 45 tỷ đồng. Năm 2008, Lotte Mart báo cáo lỗ tăng kỷ lục, lên mức 153 tỷ đồng. Năm 2015, Lotte Mart nâng mức lỗ hơn 500 tỷ đồng. Năm 2016, Lotte Mart lại tăng trưởng “âm” thêm khoảng 260 tỷ đồng…
Từ biểu hiện “bất thường” của nhiều DN FDI, có thể khẳng định, hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam diễn biến phức tạp và khó tiếp cận. Thực trạng trên một mặt tác động tiêu cực đến nền kinh tế, mặt khác cũng cho chúng ta thấy “lỗ hổng” trong quản lý, phát hiện và xử lý sai phạm của không ít DN FDI. Bản chất của vấn đề chuyển giá ở đây chính là mối quan hệ về lợi ích giữa các bên. Nếu vẫn còn những chính sách, chiến lược không theo kịp với sự phát triển thực tế thì nhiều DN FDI sẽ tận dụng, để tối đa hóa lợi nhuận thông qua hành vi chuyển giá.
Các trường hợp DN FDI chuyển giá đang làm thay đổi cấu trúc giao dịch thương mại, làm sai lệch giá vốn dẫn đến sai lệch trong phân phối lợi ích, tạo ra khả năng chiếm lĩnh, giành thị phần cũng như thôn tính DN khác với mức chi phí thấp nhất. Và để nhận diện các thủ đoạn chuyển giá, cơ quan quản lý cần thận trọng, có góc nhìn toàn diện và sâu rộng, để tránh rủi ro cho DN FDI đang kinh doanh, đầu tư có trách nhiệm với nền kinh tế bản địa.
Theo ước tính, khoảng 60% hoạt động thương mại toàn cầu là giao dịch có khả năng chuyển giá. Rõ ràng, việc trốn thuế qua chuyển giá là cuộc chiến đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý không chỉ đơn thuần là bịt các lỗ hổng pháp lý mà còn là chiến lược dài hạn trên cơ sở dự báo, đánh giá sát với thực tế phát triển của thị trường. |
(Còn nữa)