Trước bức xúc của dư luận, thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng chuyển giá, số thuế truy thu lên đến cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chống gian lận chuyển giá vẫn đang là cuộc chiến gian nan.
Coca-Cola Việt Nam là điển hình bị nghi vấn về doanh nghiệp FDI chuyển giá. |
Trong nhiều năm qua, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của DN FDI vào nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít DN FDI lợi dụng chính sách ưu đãi để chuyển giá, trốn thuế. Những hành vi này không phải là mới mẻ, thế nhưng vẫn luôn làm “đau đầu” các cơ quan quản lý.
Nhiều cách đối phó với chính sách
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015, cả nước có khoảng 50% số DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. Riêng TP Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số 3.500 DN có vốn FDI nhiều năm qua thường xuyên kê khai lỗ. Năm 2016, Tổng cục Thuế đã thanh tra chống chuyển giá đối với 329 DN; truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng; giảm lỗ 5.162 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an hồ sơ của trên 2.770 vụ việc; cơ quan công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu hồi 1.159 tỷ đồng, bắt giữ, tạm giữ 20 đối tượng có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng công bố thanh tra, kiểm tra trên 2.400 DN có dấu hiệu chuyển giá. Theo kết quả thanh tra, kiểm tra 420 DN có hoạt động giao dịch liên kết trong năm 2015, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 4.895,16 tỷ đồng; giảm lỗ 3.104,11 tỷ đồng; giảm khấu trừ 206,81 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 801,7 tỷ đồng… Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đã từng thừa nhận: "Mới chỉ thanh tra, kiểm tra một số ít DN FDI mà đã tiến hành truy thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. Nếu thanh tra, kiểm tra toàn bộ số DN FDI thì số tiền gian lận thuế bằng biện pháp chuyển giá sẽ lớn hơn rất nhiều”.
Thực tế, vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá không phải là mới, tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng thật ra cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu và mới chỉ được thực hiện trên phạm vi hẹp, chưa rộng khắp trên toàn quốc...
Báo cáo lỗ để chuyển giá?
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, cả nước có 23.545 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 303 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 160,98 tỷ USD, bằng 53,1% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các DN FDI vào nền kinh tế Việt Nam, tạo ra nhiều của cải vật chất, thu hút nhiều lao động… Nhưng cũng có không ít DN FDI chủ yếu “tận dụng” việc khai thác tài nguyên, khai thác nguồn nhân công giá rẻ, lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống pháp lý, những chuẩn mực về bảo vệ môi trường còn thấp để kiếm lời. Và kết quả là nhiều DN FDI đã góp phần gây ô nhiễm và tàn phá môi trường…
Trong khi đó, đa phần các DN trong nước đều có quy mô nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế về đội ngũ quản lý có trình độ quốc tế, quản trị DN quốc tế, am hiểu luật pháp quốc tế, kế toán, ngân hàng, kiểm toán và ngoại ngữ. Những hạn chế này được xem như “tử huyệt” để các DN FDI tận dụng, tấn công, thâu tóm thị phần.
Để thực hiện được các thủ đoạn chuyển giá, nhiều DN FDI thường sử dụng các “chiêu thức” giả số liệu như: Hạch toán trước nhưng chưa chi; trích lập dự phòng không đúng quy định, vượt định mức; chi phí không có hóa đơn chứng từ; hạch toán chi phí không phục vụ sản xuất, kinh doanh; chi phí tiền lương, khấu hao không đúng quy định của Bộ Tài chính; hạch toán chi phí lãi vay không đúng quy định làm phát sinh lỗ… Trong đó, phổ biến là hạch toán sai chi phí chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và chuyển lỗ không đúng quy định.
Báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, nhiều DN FDI hạch toán kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến…
(Còn nữa)