Liên tục lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất
Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt xung quanh những điểm bất thường trong báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ. Mặc cho nước ta liên tục có nhiều ưu đãi thuế quan, tiền thuê đất, cải thiện môi trường đầu tư…
Nhưng về tổng quan, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng sinh lời của khối DN FDI năm 2023 giảm sút so với năm 2022. Cụ thể, doanh thu là 9,41 triệu tỷ đồng, giảm 4,3%; lợi nhuận sau thuế là 337.027 tỷ đồng, giảm 15,7%. Số nộp ngân sách Nhà nước giảm từ 197.087 tỷ đồng năm 2022 còn 193.238 tỷ đồng năm 2023.
Cần rà soát các chính sách về đầu tư để có cơ chế mới thu hút vốn ngoại hiệu quả hơn. Ảnh: Trần Việt
Đáng chú ý, tính đến 31/12/2023, số DN FDI báo lỗ là 16.292/28.918 DN, tăng 21,2%; số DN bị lỗ lũy kế là 18.140, tăng 15%; số DN bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091, tăng 15,2%. Như vậy, cứ 2 DN FDI lại có hơn 1 DN bị thua lỗ. Thực tế, tình trạng DN FDI báo lỗ diễn ra nhiều năm nay. Số DN báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng. Điều khó hiểu và dư luận đặt nghi vấn là nghịch lý nhiều DN báo lỗ liên tục nhiều năm, nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy...
Dữ liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy điểm bất thường, đó là tổng tài sản của khối DN FDI có vốn chi phối là hơn 9.957.039 tỷ đồng (tăng 6,8% so với năm trước), các khoản vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư của chủ sở hữu đều tăng, song lợi nhuận lại giảm. Đáng nói, lợi nhuận sau thuế giảm gần 16%, nên số tiền nộp ngân sách từ khu vực này giảm mạnh. Từ những con số mà Bộ Tài chính đưa ra và tình hình kinh doanh của khối DN FDI trong nhiều năm, dư luận đang đặt ra nghi vấn, có hay không dấu hiệu của chuyển giá, “lỗ giả, lãi thật”?
Nhìn nhận về thực trạng trên, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, DN FDI bắt đầu vào đầu tư hoạt động ở nước ta từ năm 1988. Sau gần 40 năm, không thể phủ nhận những đóng góp rất lớn của khối DN này. Họ đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp 3/4 giá trị xuất khẩu hàng năm, 25% ngân sách Nhà nước cho nước ta… Đặc biệt, khối DN FDI đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta dần sang công nghiệp, dịch vụ.
Ngược lại, nước ta cũng dành ưu đãi, điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho khối DN này. Tuy nhiên, trong thời gian dài, các DN FDI vẫn báo lỗ triền miên, thậm chí cả những DN lớn có sản phẩm thống lĩnh thị trường ở Việt Nam. Đây là là hiện tượng bất thường trong kinh doanh và có thể là chiêu trò chuyển giá, “lỗ giả, lãi thật” để né thuế.
Cùng chung nhận định, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với con số hơn 50% DN FDI báo lỗ là con số đáng quan ngại và bất thường. Không có lý do gì để một DN kinh doanh thua lỗ triền miên, nhưng vẫn cố thủ ở lại để mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, không thể không nghĩ đến việc chuyển giá, “lỗ giả, lãi thật” ở đây.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra, hiện nay điểm yếu của chúng ta là khâu kiểm soát, quản lý. Chúng ta không nắm được chính xác hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN FDI, chỉ căn cứ vào báo cáo của họ là chính. Còn với DN, lợi nhuận là trên hết, DN nào cũng cố gắng giảm thiểu đóng thuế để tối ưu lợi nhuận.
Thực tế, vấn đề chuyển giá ở DN FDI là tồn tại và thách thức nhiều năm nay với các cơ quan chức năng. Cách thức chuyển giá điển hình mà các nhà đầu tư ngoài nước thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật… Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường.
Tăng kiểm tra, kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu giá
Chuyển giá là hiện tượng phổ biến trên thế giới, nhất là tại các tập đoàn lớn xuyên quốc gia, nhằm tối đa hóa lợi nhuận, né tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN thông qua tối ưu hóa chênh lệch thuế suất. Tại Việt Nam, tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm và hầu như không được cải thiện. Số DN báo lỗ hàng năm luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước, kéo theo phần thu ngân sách từ các nguồn thuế, phí sụt giảm ở nhiều lĩnh vực hoặc có tăng trưởng nhưng rất chậm.
Việc DN FDI chuyển giá còn khiến chi phí sản xuất nội địa bị đẩy lên cao một cách giả tạo, làm mất cân bằng cạnh tranh giữa DN trong nước và DN nước ngoài. DN nội địa bị chèn ép cả về giá cả, nguồn cung nguyên vật liệu và khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện tại, chính sách quản lý thuế đối với khối DN FDI, nhất là các hoạt động chống chuyển giá và quản lý các giao dịch liên kết của ngành thuế và các bộ, ngành liên quan chưa thực sự hiệu quả và không bắt kịp thực tiễn.
Trước nghi vấn “lỗ giả, lãi thật” trên, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát các chính sách về đầu tư để có cơ chế mới thu hút vốn ngoại hiệu quả hơn. Cơ quan này cho rằng, Việt Nam cần tăng đối chiếu thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ quá trình kinh doanh của DN FDI. Đồng thời, đề xuất thanh, kiểm tra các dự án đầu tư đang hoạt động, tăng biện pháp quản lý với những DN FDI hoạt động kém hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh “căn bệnh” chuyển giá đã mãn tính nhiều năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc thanh tra, kiểm soát thì không thể trị dứt điểm được. TS. Lê Quốc Phương khuyến nghị, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, về lâu dài, để phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, cần thiết phải có Luật Chống chuyển giá để có những quy định, chế tài cụ thể về vấn đề này. Mặt khác, cần có sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan thuế, ngân hàng, hải quan, công an trong việc quản lý hoạt động của các DN FDI.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi phê duyệt dự án FDI, cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm tra và đánh giá chặt chẽ. Cơ quan cấp phép có thể yêu cầu nhà đầu tư cung cấp cơ chế giá giữa công ty mẹ và các công ty con từ nhiều thị trường, kế hoạch đầu tư kinh doanh có lãi và thuế nộp của DN ra sao để có thể đánh giá tác động nguồn thu trong tương lai. Song song với đó, cần có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu giá trị hàng hóa từ các thị trường giao dịch hàng hóa lớn của quốc tế để xây dựng cơ sở dữ liệu giá.
Đối với ngành thuế, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Trên cơ sở thông tin dữ liệu hiện có, ngành thuế cần khẩn trương rà soát lại các DN FDI, các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực xây dựng kế hoạch, xác định rõ phạm vi cần tiến hành các cuộc kiểm tra, thanh tra đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm theo nội dung yêu cầu của chuyên đề chống chuyển giá.
Câu chuyện DN FDI sử dụng công cụ chuyển giá tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách đã được nói đến từ lâu. Nhiều DN đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, song thực tế cho thấy công tác chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |