Chưa chú trọng kinh tế biển
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế biển là nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Phát triển về hướng biển là mong muốn, ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP trong nhiều năm qua. Để TP Hồ Chí Minh có kinh tế biển và có chuỗi đô thị biển kết nối với quốc tế và khu vực trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ |
"TP Hồ Chí Minh và vùng TP Hồ Chí Minh cần định vị lại lợi thế cạnh tranh, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh, song song với tăng trưởng xanh và các ngành có giá trị gia tăng cao. Mô hình tương lai của vùng TP Hồ Chí Minh cần đặt kết nối vùng quyết liệt hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm quốc tế. Vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt đột phá thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP Hồ Chí Minh. TP phải định hướng trở thành trung tâm tài chính thương mại tầm cỡ khu vực và thế giới", ông Hoan cho biết thêm.
PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững cho rằng, vùng TP Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến giao thông xuyên. Tuy vậy, công suất hàng hải hiện nay chỉ đạt chưa đến một nửa công suất tối đa của hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, tiềm năng còn rất lớn và thách thức đặt ra hiện nay là tăng nhanh khả năng tích tụ hàng hóa và cạnh tranh hàng hải đối với khu vực. Hệ thống hàng hải khu vực châu Á đang tập trung tại các TP đảo như: Singapore, Thâm Quyến, Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải, Macau (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). TP Hồ Chí Minh là một địa chỉ trung gian, trung tâm hàng hóa của các vùng cửa ngõ kể trên và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển của Singapore. Do Singapore có những giới hạn và sự tách biệt về không gian địa lý nên đây chính là cơ hội cho các địa điểm trung gian như các cảng biển vùng TP Hồ Chí Minh cạnh tranh trong tương lai để chủ động tham gia chuỗi giá trị hàng hải quốc tế.
Cũng theo PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ gồm 8 tỉnh gần như tạo thành một "bát giác kim cương", ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Do vậy, vùng đô thị - cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.
TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh trong tương lai là nền kinh tế hướng ra biển và kết nối với chuỗi đô thị quốc tế chứ không còn nền kinh tế phụ thuộc dựa vào đất. Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã đặt việc phát triển kinh tế biển gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Sẽ giám sát chặt, giảm thiểu động môi trường
Đô thị tiến biển Cần Giờ, diện tích 2.870 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020. Dự án lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ được TP chấp thuận năm 2004, giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Dự án chính thức được khởi động vào năm 2007 trên diện tích 600ha, tuy nhiên sau đó dự án bị đình trệ do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. 8 năm sau, năm 2015 TP chính thức cho phép một số pháp nhân khác tham gia dự án. Năm 2019, UBND TP đã đề xuất và xin phép Chính phủ mở rộng dự án lấn biển Cần Giờ lên 2.870ha. Vị trí khu vực quy hoạch nói trên thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, phía Đông, Tây và Nam giáp biển Đông, phía Bắc một phần giáp đường Duyên Hải, một phần giáp đường dọc Biển Đông 1.
Quang cảnh hội thảo |
Khu đô thị tiến biển Cần Giờ, theo chủ trương được duyệt, có quy mô dân số khoảng 228.000 người, sẽ được triển khai trong 50 năm. Dân số hiện tại của cả huyện Cần Giờ là 73.000 người, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Việc một “siêu” đô thị mọc lên giữa một vùng nông nghiệp, lại có khu dự trữ sinh quyển thế giới đã gây ra những lo ngại về tác động xấu đến môi trường.
Trao đổi với báo chí bên hành lang của hội thảo, PGS. TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự án đô thị tiến biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Báo cáo đánh giá tác động môi trường được các chuyên gia đánh giá, thẩm định qua nhiều vòng họp và chủ đầu tư đã bổ sung nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường, đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Khi triển khai dự án sẽ có tác động tới môi trường, vấn đề là lựa chọn mô hình, quy mô phát triển và cách thức triển khai như thế nào để giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất có thể. Đô thị tiến biển Cần Giờ cách khu dự trữ sinh quyển 18km, tác động trực tiếp sẽ không đáng kể.
Mặc dù khá lạc quan nhưng PGS. TS Lưu Thế Anh vẫn thận trọng khi cho rằng, khi triển khai dự án phải có chương trình giám sát về môi trường. Phải thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, công khai tất cả thông tin để xã hội, các nhà khoa học thấy rõ và tránh những bình luận không đúng, một chiều.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bày tỏ sự ủng hộ TP Hồ Chí Minh lấy biển Cần Giờ làm bàn đạp để khai thác kinh tế biển. Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ lưu ý, TP cần có định hướng cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Cần tiếp cận theo hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động và phát triển kinh tế.