Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 1664/UBND-ĐT giao Sở Xây dựng TP tham mưu UBND TP giải quyết cho phép các dự án bất động sản tồn kho có nhu cầu chuyển đổi phân khúc.
Số liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 134.000 căn.
Cụ thể, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ ngân sách, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trường hợp dự án nhà ở sinh viên khai thác không hiệu quả thì đề xuất UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Đối với các dự án bất động sản nhà ở phân khúc trung cấp, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì Sở Xây dựng TP tham mưu lãnh đạo giải quyết theo quy định.
Ngoài ra, cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
Đối với Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TP yêu cầu kiểm tra, rà soát các dự án đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hoá hoặc triển khai chậm, báo cáo UBND TP kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật. Công khai các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử đụng dất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đối với Sở Tài chính, UBND TP cũng đề nghị tham mưu, đề xuất UBND TP việc sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha theo quy định và do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Cuối cùng, Sở Quy hoạch Kiến trúc được yêu cầu khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, thực hiện xuyên suốt hàng năm theo từng thời hạn đồ án quy hoạch và từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.