Nhà siêu rẻ bị cho là sẽ đem lại nhiều hệ lụy nếu làm ở TP Hồ Chí Minh (Hình minh hoạ). |
Làm ở ngoại thành
Theo ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tại TP có hai nơi hội đủ điều kiện để xây nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng/căn là ở ngoại thành như khu công nghiệp Linh Trung (Q.Thủ Đức) và khu công nghiệp cảng Hiệp Phước (H.Nhà Bè). Bởi nơi đây hội đủ 3 điều kiện là không chịu chi phí về đất (phí bồi thường, tiền sử dụng đất), phí đầu tư hạ tầng và diện tích căn hộ khoảng 25 m2 (suất đầu tư 4 triệu đồng/m2). Ngoài ra, nhà xã hội giá rẻ này chủ yếu phục vụ cho khách hàng là công nhân tại các khu công nghiệp nên xây dựng ở đây là phù hợp nhất.
GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhận xét chủ trương này có tính khả thi cao nhưng trước giờ TP không làm hoặc chỉ làm theo kiểu phong trào và đặt nó ở những vị trí không giống ai mà chỉ tập trung làm nhà ở thương mại. Vấn đề này cũng nói nhiều lần nhưng sự quan tâm tới nhà ở cho người nghèo chưa cao. Nhưng giờ lãnh đạo TP đã thể hiện sự quan tâm thật sự. Với sự quan tâm đó thì mọi ngành mọi cấp quyết tâm sẽ làm được, không có gì khó.
“TP định xây dựng ở Nhà Bè, Thủ Đức, tôi nghĩ định hướng như vậy là đúng. Nhà ở xã hội tiêu chí quan trọng nhất là giá rẻ nên tất yếu nó phải ở xa. Đưa họ ra xa nhưng phải tạo được sự kết nối bằng giao thông công cộng. Ví dụ trong khoảng 15 phút tối đa 30 phút là vào đến trung tâm. Để có giá rẻ cũng cần phải có quỹ đất lớn từ vài chục đến vài trăm héc ta rồi phát triển hạ tầng và thậm chí hạ tầng còn phải làm tốt hơn các nhà ở thương mại trong TP. Có đủ sân chơi, trường học, nhà trẻ. Cái khó bây giờ là đất đai hết rồi. Mà phải có quỹ đất từ vài chục đến hàng trăm héc ta thì mới làm giá rẻ được cho nhiều chủ đầu tư tham gia. Đừng nghĩ nhà ở xã hội là ổ chuột. Nó chỉ là ổ chuột nếu TP đem chia đất ra cho người dân tự xây. Còn nếu TP đứng ra làm, đầu tư xây dựng theo kiểu cuốn chiếu. Bây giờ chúng ta đầu tư xây dựng với giá rẻ cho dân vào ở, 10 - 20 năm nữa có điều kiện kinh tế tốt hơn chúng ta xây các tòa nhà mới hiện đại hơn và chuyển dân từ chỗ cũ sang chỗ mới. Phải có bài toán về lâu dài trong việc làm nhà ở xã hội, không phải tư duy nhiệm kỳ”, ông Nguyễn Trọng Hòa phân tích.
Ông nói thêm rằng các tỉnh cũng làm khu công nghiệp, nhà ở xã hội nên TP không cần phải sợ chuyện dân tỉnh sẽ chen về TP mua nhà gây áp lực về dân số hạ tầng. Bình Dương làm được, các tỉnh cũng sẽ làm theo. Người lao động không còn phải lên TP tìm việc mà họ sẽ làm tại tỉnh mình vì vừa có cuộc sống và công việc tốt. Thậm chí có thể sau này TP còn vắng công nhân.
Nên xem xét kỹ
Phản đối việc xây dựng nhà ở giá quá rẻ tại TP Hồ Chí Minh, TS Đinh Thế Hiển lo ngại việc này sẽ càng thu hút thêm dân nhập cư mà đặc biệt là lao động chân tay về TP làm việc. Nếu tính đúng tính đủ, TP đã lên tới 13 triệu dân rồi. Đã là một siêu đô thị. Dân quá đông dẫn đến hạ tầng không đáp ứng được, phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội... Nếu làm nhà giá rẻ như Bình Dương càng kéo người dân ở mọi nơi về sinh sống, làm việc, từ đó ảnh hưởng thêm đến hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
“Do đó TP không nên khuyến khích phát triển các khu công nghiệp nữa mà cần tiến tới một TP dịch vụ, khoa học, tài chính. Những khu công nghiệp cũng nên dần dẹp bớt, chuyển về các tỉnh thành khác, nhất là các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tiến tới thu hút các khu công nghiệp công nghệ cao”, TS Hiển phân tích.
Lãnh đạo một công ty bất động sản lo ngại những khu nhà như vậy sẽ hình thành cả một khu dân trí, văn hóa thấp, tụ tập những gia đình lao động nghèo kinh doanh tự do, dễ làm phát sinh các tệ nạn... “TP đã từng làm hơn 1.000 căn nhà ở Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) giá bán khoảng 500 - 600 triệu đồng mà không ai về ở, hiện đã tồn kho cả đống. Nay nếu xây loại nhà này mà cũng ở xa như vậy chắc chắn không ai mua, chỉ có công nhân là mua ở. Do đó, để làm loại nhà này thì TP quy định chủ đầu tư các khu công nghiệp phải làm, TP không cần ra tay, hãy tập trung nguồn lực cho các vấn đề khác”, vị này nói.
TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn đô thị học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cũng cho rằng không nên khuyến khích xây nhà siêu rẻ ở TP Hồ Chí Minh vì nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất TP muốn làm bất cứ cái gì đều phải hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là thay đổi chất lượng dân số. Ở đây được hiểu là người dân phải có tay nghề cao, học vấn cao, có đời sống văn minh tốt. Đã đến lúc TP không thể là nơi chứa tất cả, mà phải tính toán lại về chất lượng dân số.
Chính vì vậy, nếu phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ quá nhiều sẽ vô tình khuyến khích người từ các tỉnh về TP mua nhà. Xu thế này cứ tiếp tục mà không cải thiện được chất lượng dân số sau này sẽ xảy ra nhiều vấn đề về mặt xã hội. Vấn đề thứ hai là đất TP khác Bình Dương. Bình Dương đất rẻ còn TP 100 triệu đồng làm sao xây được, rẻ nhất cũng phải 200 - 300 triệu đồng/căn.
“Theo tôi, hiện nay đa số công nhân đang ở trong các khu nhà trọ xập xệ, không an toàn. Nếu được TP có thể xây nhà 100 triệu đồng ở quanh các khu công nghiệp cho thuê và cho công nhân thuê với giá tương đối. Còn chuyện xây nhà 100 triệu đồng như chủ trương của lãnh đạo TP (có học tập Bình Dương) thì theo tôi không ổn. Đó là việc của các tỉnh thôi, TP nên xem xét lại”, TS Nguyễn Minh Hòa nói.