Năm 2012, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, anh Hòa - một nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Hà Nội từng kiếm hàng trăm triệu tiền chênh với việc mua bán lướt sóng mỗi căn hộ giá rẻ.
"Khi đó khách hàng mua nhà rất dễ, cứ rẻ là họ mua. Tôi chỉ cần quan hệ tốt với đơn vị phân phối để mua ngay từ đợt đầu mở bán và cứ ra khỏi cửa là có ngay tiền chênh cả chục triệu. Chỉ khoảng một vài tuần sau, giá chênh những căn đẹp có thể lên hàng trăm triệu", anh Hòa cho hay.
Tuy nhiên, anh cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, các căn hộ ở phân khúc này không còn dễ bán như trước nữa nên việc đầu tư kiếm chênh rất rủi ro. Nhà đầu tư này mua một căn hộ giá rẻ tại Linh Đàm và đến nay đã nhận bàn giao nhưng vẫn không bán được hoặc có bán thì cũng phải chấp nhận cắt lỗ tối thiểu khoảng 100 triệu đồng.
Anh cho biết, một trong những lý do chính khiến căn hộ trên ngày một mất giá là vì các dự án của chủ đầu tư này liên tục xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng công trình, hỏa hoạn...
Chung cư giá rẻ hiện không còn là phân khúc dễ dàng kiếm chênh như mấy năm trước. Ảnh minh họa: NT |
Câu chuyện của anh Hòa không phải hiếm trên thị trường hiện nay bởi rất nhiều khách hàng từng theo đuổi phân khúc nhà giá rẻ giờ đây cũng phải tính toán lại phương án đầu tư.
Cùng với đó, những người có nhu cầu ở thực cũng không còn mấy mặn mà với nhiều dự án nhà giá rẻ nếu chủ đầu tư đó không thực sự uy tín. Năm 2014, anh Tuyến mua một căn hộ tại một dự án nhà giá rẻ nhưng gần đây khi sắp được bàn giao thì lại đang rao bán bởi nghi ngại về chất lượng cũng như sự an toàn của các công trình mà chủ đầu này đang xây dựng. Cùng với đó, quanh khu vực này liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ do quá tải hạ tầng giao thông khiến khách hàng này đang chấp nhận rao bán căn hộ với giá lỗ 100 triệu.
"Không chỉ các nhà đầu tư mà kể cả người mua ở thực cũng đang tìm cách tháo hàng sau khi dự án có sự cố hoặc nhận thấy các bất cập. Do đó, việc đầu tư để bán chênh không còn dễ dàng như trước. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường hiện nay thì mức giá này không còn được coi là rẻ nữa bởi nguồn cung có mức giá tương đương hoặc cao hơn một chút cũng không còn hiếm như vài năm trước", anh Hòa nhận định. Hiện nhà đầu tư này chuyển hướng sang một số dự án khác ở nhiều phân khúc khác nhau, song một trong những yếu tố anh đặc biệt quan tâm mỗi khi mua nhà những hạ tầng, tiện ích trong dự án.
Nếu như những năm trước, không lâu sau khi mở bán, các căn hộ nhà giá rẻ của một số chủ đầu tư gần như "cháy hàng" và buộc người mua phải giao dịch qua thứ cấp với giá chênh hàng chục cho đến hàng trăm triệu thì gần đây, theo khảo sát của VnExpress, thậm chí đến thời điểm gần bàn giao căn hộ, hàng tồn từ các sàn phân phối của chủ đầu tư cũng còn đến cả trăm căn.
Đại diện một sàn bất động sản chuyên phân phối phân khúc này tại quận Hà Đông thừa nhận có tình trạng rao bán ồ ạt, tháo chạy của các khách hàng khi mua căn hộ tại các dự án nhà giá rẻ. Cùng với đó, người mua nhà cũng ngày càng có những đòi hỏi cao hơn từ phía chủ đầu tư chứ không chỉ quan tâm đến giá thành như trước đây. Vì vậy, đơn vị này thay vì chỉ chuyên bán các sản phẩm giá rẻ như trước, giờ đây cũng phải mở rộng bảng hàng của nhiều chủ đầu tư để đáp ứng các nhu cầu của khách.
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, ở phân khúc nhà giá rẻ, nếu như giai đoạn thị trường gặp khủng hoảng từ cuối năm 2011, một số chủ đầu tư bán loại căn hộ giá chỉ từ 10-15 triệu đồng một m2 được coi là hiếm trên thị trường thời điểm đó nên rất thu hút khách. Nguồn cung ở phân khúc này khi đó theo ông còn rất thấp, chỉ đếm trên đầu ngón tay nên để có nhà.
"Tuy nhiên, sau khi đưa vào vận hành dự án, một số bất cập được bộc lộ và gây ra những hậu quả lớn thì người mua nhà chợt hiểu giá cả không phải là tất cả của một căn nhà. Khi đó nhà đầu tư lẫn người mua đều thận trọng hơn với mỗi quyết định", ông Toản nhận định. Vị lãnh đạo sàn cho rằng, việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi một số dự án giá rẻ không có nghĩa là nhu cầu đối với phân khúc này không còn mà người mua sẽ tìm đến những dự án được xây dựng chất lượng hơn.