Theo đó, trong 5 năm tới, TP. Hồ Chí Minh tập trung mọi nguồn lực để chỉnh trang và phát triển đô thị nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.
TP. Hồ Chí Minh hiện có 474 chung cư cũ, nhà tập thể được xây dựng từ trước năm 1975, đã hết niên hạn sử dụng, bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn 15 quận (chỉ có 4 quận: quận 2, quận 9, quận Bình Tân, và 5 huyện không có loại chung cư cũ này), tập trung nhiều nhất tại quận 5 có 207 lô chung cư, nhà tập thể; quận 1 có 98 lô chung cư; quận 3 có 45 lô chung cư; quận 4 có 36 lô; quận 6 có 32 lô; quận 11 và quận Tân Bình mỗi quận có 30 lô; quận 10 có 28 lô; quận Bình Thạnh có 24 lô; quận Phú Nhuận có 21 lô; quận 8 có 10 lô; quận Tân Phú có 4 lô; quận 7 và quận Thủ Đức mỗi quận có 2 lô, quận Gò Vấp có 1 lô.
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó cải tạo xây mới chung cư cũ là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. |
Theo ông Trần Trọng Tuấn - GĐ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh: “Thời gian vừa qua, thành phố đã triển khai tháo dỡ được 32 chung cư cũ với quy mô 207.000m2 và tổ chức di 4.232 hộ dân. Ngoài ra cũng kêu gọi đầu tư được 39 chung cư với quy mô 470.000m2 để tái định cư cho người dân. Để có được kết quả đó là sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhà đầu tư và sự ủng hộ của người dân”.
Tuy nhiên, con số chung cư cũ được cải tạo, xây mới đang còn khiêm tốn so với con số thực tế, không như mong đợi của chính quyền cũng như người dân. Hiện TP. Hồ Chí Minh còn tổng diện tích khoảng 1,8 triệu m2, với 27.000 hộ dân hiện đang sinh sống tập trung tại các chung cư cũ, đã xuống cấp trầm trọng, có những chung cư có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cùng với đó là vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ không được đảm bảo
Theo ông Tuấn trong từng dự án có nhiều khó khăn khác nhau, nhưng thường gặp 3 khó khăn, đó là: Giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng kéo dài và bài toán đầu tư.
Từ đó, ông Tuấn, cho biết: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là điều lo ngại nhất của các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cũng có dự án triển khai thuận lợi nhanh chóng nhưng có những dự án gặp nhiều khó khăn về đơn giá bồi thường, thậm chí có đến 80 - 90% tỷ lệ người dân nhận tiền bồi thường để lo nơi ở mới, nhưng số còn lại chưa đồng thuận nên khó khăn.
Bên cạnh đó còn khó khăn tới hồ sơ pháp lý nhà đất và diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ nên cũng khó bố trí tái định cư. Khó khăn này dẫn tới thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, có dự án kéo dài công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tới 7 năm.
Cùng với đó, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản cho một công trình từ lúc bắt đầu tới khi được khởi công xây dựng kéo dài từ 18 đến 25 tháng với điều kiện hồ sơ pháp lý đầy đủ, còn nếu gặp những vướng mắc khác thì kéo dài hơn, do đó tăng chi phí, nên ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, bài toán đầu tư, đó là vị trí của chung cư cũ đó có thuận lợi hay không. Bài toán đầu tư liên quan đến vị trí chung cư, chỉ tiêu quy hoạch các chung cư và quy hoạch chung đã khiến các nhà đầu tư không dám mạnh dạn đầu tư vào cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA: “Việc thực hiện giải phóng mặt bằng càng nhanh càng đảm bảo thành công của dự án. Điều kiện để giải phóng mặt bằng nhanh là nhà đầu tư phải thực sự có năng lực, trước hết là năng lực tài chính, và phải thảo luận dân chủ để đi đến đồng thuận với từng chủ sở hữu chung cư, với từng hộ ghép trong chung cư về hai nội dung cơ bản: giải quyết tạm cư và giải quyết tái định cư”.
“Từ những khó khăn đó cần nhìn thẳng vào vấn đề, nhằm đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tế, để giải quyết các chung cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, ông Trần Trọng Tuấn cho biết.